Đại dịch Covid-19 càng làm cho tội phạm lừa đảo qua mạng gia tăng và liều lĩnh do nhu cầu giao dịch trên mạng tăng cao cùng tỷ lệ thất nghiệp.
>> Top 10 phần mềm chống virus hàng đầu năm 2021
Chỉ tính riêng trong năm 2020, cơ quan chức năng đã phát hiện khoảng trên 4.100 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng; trong đó có 776 vụ việc lừa đảo qua mạng viễn thông bằng thủ đoạn giả danh cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, bưu điện…, đe dọa, yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin tài khoản hoặc chuyển tiền.
Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiến hành xác minh, điều tra 18 vụ; khởi tố 5 vụ án và 27 bị can; đang tiếp tục xác minh hơn 10 vụ.
Dưới đây là tổng hợp 10 trường hợp – phương thức lừa đảo qua mạng nổi bật gần đây. Nhấp vào liên kết để đi đến nhanh từng trường hợp.
- Mạo danh ngân hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản
- Lừa đảo liên hoàn để lấy thông tin tài khoản ngân hàng
- Giả tạo việc làm, có trả lương để lấy thông tin tài khoản ngân hàng
- Mạo danh ngân hàng, lừa đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 để chiếm đoạt tiền
- Lập sàn giao dịch tiền ảo, hối đoái giả để lừa tiền
- Lừa đảo làm cộng tác viên bán hàng online
- Giả nhà cung cấp để lừa đảo chiếm đoạt tiền
- Gửi link khuyến mãi, giả mạo website siêu thị lừa đảo khách mua sắm trong mùa dịch
- Lập gian hàng ảo để chiếm đoạt tiền
- ‘Tổng đài CSGT’ dỏm chuyên thông báo ‘phạt nguội’
1. Mạo danh ngân hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản
Lợi dụng nhu cầu giao dịch, thanh toán qua ngân hàng điện tử và các ứng dụng của người dân tăng cao do đang trong thời gian giãn cách để chống dịch, tội phạm đã tung hàng loạt chiêu lừa nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Hàng loạt người dùng đã nhận các tin nhắn như: “Bạn đã mở dịch vụ tài chính toàn cầu với phí dịch vụ phải trả hàng tháng là 2 triệu đồng. Nếu không phải là người mở dịch vụ thì bấm vào đường link để hủy”.
Ngoài ra, còn có các tin nhắn với nội dung như: “Tài khoản của quý khách hiện tại đang bị khóa, đề nghị đăng nhập đường link để xác thực hôm nay”, hoặc “Phát hiện tài khoản của bạn đăng nhập khác vùng bất thường, vui lòng đăng nhập đường link để xác nhận thông tin và thay đổi mật khẩu”; “Cần xác nhận thông tin của bạn, hoàn thành thông tin được tặng thẻ 50.000.000 đồng, mời vào đường link để xác nhận”…
Các tin nhắn mạo danh ngân hàng này nhằm mục đích lừa người dùng nhấp vào đường link khai báo thông tin cá nhân và bị tội phạm đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Đáng nói là những đường link giả mạo thường chỉ khác một vài ký tự hoặc chi tiết hơn so với đường link thật của các ngân hàng nên dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Hàng loạt ngân hàng đã phát đi cảnh báo. Ngân hàng Nam Á khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không truy cập các đường link có sẵn trong tin nhắn, email lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Không cung cấp các thông tin giao dịch như tên đăng nhập, mật khẩu, OTP, mã PIN Soft Token, mã kích hoạt, mã CVV2 in tại mặt sau thẻ và các thông tin cá nhân khác thông qua bất kỳ hình thức nào và cho bất kỳ ai.
“Người dùng không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động; không sử dụng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng trực tuyến, thư điện tử, các mạng xã hội và các ứng dụng khác. Đọc kỹ các tin nhắn, email, thông tin cảnh báo nhận được từ ngân hàng. Ngoài ra cần thay đổi mật khẩu thường xuyên hoặc ngay khi nghi ngờ có người khác biết”, Ngân hàng Nam Á cảnh báo.
Ngân hàng Vietcombank cũng cho biết đang xuất hiện hiện tượng mạo danh tin nhắn Vietcombank để lừa đảo. Cụ thể kẻ lừa đảo nhắn tin thông báo cho khách hàng với nội dung “tài khoản khách hàng đã bị khóa” rồi lừa khách hàng bấm vào đường link giả mạo để đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng.
Còn Ngân hàng ACB cảnh báo hiện tượng tin nhắn SMS giả mạo, lừa đảo khách hàng, đồng thời khẳng định ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, username và password qua các kênh như tin nhắn, email, điện thoại, website. Do vậy người dùng nên lưu ý nhằm tránh lọt vào bẫy lừa đảo.
Theo tuoitre.vn
2. Lừa đảo liên hoàn để lấy thông tin tài khoản ngân hàng
Công an quận Nam Từ Liêm tiếp nhận đơn trình báo của anh C (trú tại xã Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) về việc tài khoản facebook “Tuyết Trần” (bạn học cấp 3, đang ở Nhật Bản) nhắn tin nhờ nhận hộ năm triệu đồng.
Anh C nhờ em gái là chị O cung cấp tài khoản ngân hàng để nhận tiền; sau đó, điện thoại chị O nhận được tin nhắn hướng dẫn truy cập một đường link và được một người đàn ông tự xưng nhân viên ngân hàng gọi điện hướng dẫn xác thực việc nhận tiền. Chị O làm theo và chỉ ít phút sau phát hiện tài khoản bị trừ hơn 25 triệu đồng.
Công an quận Nam Từ Liêm đã chỉ đạo Ðội Cảnh sát hình sự phối hợp các đơn vị khẩn trương điều tra, xác minh. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ðội Cảnh sát hình sự đã làm rõ Trần Ðạo Nghĩa (SN 1999, trú tại tỉnh Quảng Trị) là đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị O.
Qua rà soát, Ðội Cảnh sát hình sự Công an quận Nam Từ Liêm phát hiện Trần Ðạo Nghĩa đang lẩn trốn ở một nhà nghỉ tại thị xã Quảng Trị nên đã phối hợp Công an thị xã Quảng Trị kiểm tra hành chính. Qua đó, phát hiện, đưa tám đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan việc chiếm đoạt tài sản về trụ sở công an để đấu tranh, làm rõ.
Căn cứ tài liệu điều tra và đấu tranh với các đối tượng, cơ quan công an xác định, tám đối tượng này quen biết nhau và đã hướng dẫn, “truyền dạy” nhau cách thức lừa đảo nhưng thực hiện riêng lẻ, nhóm này không liên quan nhóm kia.
Công an đã làm rõ, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng là thông qua một website nước ngoài để tạo đường link có tên gọi thể hiện việc chuyển tiền, xác nhận việc làm và liên kết với email của các đối tượng. Sau đó gửi đường link đến tài khoản facebook khác ngụy trang lý do nhờ “like” (thích) nội dung trong đường link hoặc lập nhiều tài khoản facebook giả và lập fanpage “Tuyển Nhân Viên-CTV-Trên Toàn Quốc” đăng bài tuyển người làm việc tại nhà, trả lương qua tài khoản ngân hàng kèm đường link; khi truy cập vào đường link do đối tượng cung cấp, thông tin đăng nhập của tài khoản facebook, tài khoản ngân hàng sẽ được gửi về email liên kết để các đối tượng đổi mật khẩu, chiếm quyền quản trị.
Khi có thông tin tài khoản facebook, các đối tượng giả danh chủ tài khoản gửi tin nhắn đến bạn bè tài khoản facebook bị chiếm quyền nhờ nhận tiền hộ; rồi giả danh nhân viên ngân hàng cung cấp đường link giả mạo việc nhận tiền, yêu cầu người bị hại truy cập đường link và cung cấp mã OTP với lý do xác thực giao dịch để thực hiện việc chuyển tiền của người bị hại đến tài khoản ngân hàng của các đối tượng (tài khoản ngân hàng được các đối tượng mua lại thông qua mạng xã hội).
3. Giả tạo việc làm, có trả lương để lấy thông tin tài khoản ngân hàng
Các đối tượng trong ổ nhóm nêu trên còn có “chiêu trò”, đăng tin tuyển việc làm, khi có người liên hệ xin việc, nhóm này yêu cầu truy cập đường link và cung cấp mã OTP để trả lương qua tài khoản ngân hàng; từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người bị hại…
Qua điều tra, bước đầu Công an quận Nam Từ Liêm xác định, chỉ trong khoảng thời gian một tháng, các đối tượng đã chiếm đoạt khoảng hai tỷ đồng của gần 4.000 tài khoản facebook, tài khoản ngân hàng. Số tiền chiếm đoạt được, các đối tượng đã chi tiêu cá nhân, sử dụng ma túy, đánh bạc trên mạng và trả tiền thuê nhà nghỉ.
Theo Công an TP Hà Nội, để tránh được những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội bằng công nghệ cao, người dân nên thường xuyên thay đổi mật khẩu, sử dụng bảo mật hai lớp (đăng nhập bằng mã xác nhận gửi về số điện thoại đăng ký tài khoản) cho tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng.
Tuyệt đối không truy cập vào các trang mạng không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng không rõ nguồn gốc. Khi có người thân/bạn bè nhờ nhận, chuyển hoặc vay tiền qua mạng xã hội không thực hiện ngay mà phải liên hệ trực tiếp kiểm tra (qua số điện thoại cá nhân hoặc gọi video call) hoặc kiểm tra “thử” bằng các câu hỏi chỉ hai người biết và chưa được trao đổi qua tin nhắn mạng xã hội.
Theo nhandan.vn
4. Mạo danh ngân hàng, lừa đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 để chiếm đoạt tiền
Ngân hàng HSBC vừa gửi mail khuyến cáo khách hàng bảo mật thông tin trước tình trạng lừa đảo trực tuyến đang có dấu hiệu gia tăng. Theo HSBC, có 2 chiêu thức đang được các đối tượng lừa đáo áp dụng là “dụ” khách hàng đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 và hoán đổi sim điện thoại.
Cụ thể, đối tượng lừa đảo sẽ tiếp cận khách hàng thông qua điện thoại hoặc thư điện tử với mục đích đăng ký vắc xin ngừa Covid-19 và yêu cầu khách cung cấp thông tin thẻ tín dụng/tài khoản/mã OTP hoặc yêu cầu chuyển trước một khoản tiền để được đăng ký.
Các đối tượng này cũng có thể gửi cho khách một đường dẫn qua thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại để đăng ký vắc xin nhưng đường dẫn lại chứa phần mềm độc hại tấn công máy tính của khách và ăn cắp dữ liệu cá nhân.
Ngoài ra, dựa vào tâm lý chung về việc hạn chế đi lại do giãn cách xã hội trong thời kỳ Covid-19, đối tượng lừa đảo có thể giả vờ là nhân viên ngân hàng hoặc tổ chức uy tín để tiếp cận khách hàng và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.
Đối với hình thức lừa đổi sim, đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh nhân viên nhà mạng liên hệ và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành sim 4G qua điện thoại. Sau đó, hướng dẫn cách nhắn tin theo cú pháp của nhà mạng để chuyển đổi nhưng thực tế đây là yêu cầu chuyển đổi từ sim 3G (do khách hàng sử dụng) lên sim 4G của đối tượng lừa đảo.
Nếu khách hàng làm theo hướng dẫn, đối tượng này sẽ chiếm đoạt được quyền sử dụng số điện thoại.Sau khi có được thông tin cá nhân và số điện thoại di động của khách hàng, kẻ xấu sẽ liên hệ nhà mạng với tư cách là khách để yêu cầu thay thế sim với lý do bị mất thẻ sim hoặc thẻ bị lỗi. Nhà cung cấp dịch vụ di động hủy sim hiện có và phát hành sim mới. Đối tượng lừa đảo tiếp đó sẽ nhận được tất cả thông báo về giao dịch ngân hàng, bao gồm cả OTP.
Để tránh trường hợp này, HSBC cảnh báo khách hàng chỉ thực hiện yêu cầu chuyển đổi sim tại các cửa hàng chính thức của nhà mạng hoặc làm theo hướng dẫn được đăng tải trên trang điện tử chính thức của nhà mạng.
“Nếu khách không còn nhận được các cuộc gọi hoặc tin nhắn và không rõ lý do, hoặc điện thoại của hiển thị “sim chưa được đăng ký” hoặc một tin nhắn tương tự, hãy kiểm tra ngay với nhà mạng” – thông báo của ngân hàng này nêu rõ.
5. Lập sàn giao dịch tiền ảo, hối đoái giả để lừa tiền
Dù lực lượng công an các tỉnh thành liên tiếp triệt phá nhiều sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo đa cấp lừa đảo, trái phép; nhưng hiện tượng này vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Ngày 22.6, Công an TP. Hải Phòng đã triệt phá sàn giao dịch ngoại hối Hitoption.net có dấu hiệu lừa đảo. Qua thu thập tài liệu của sàn Hitoption, cơ quan công an xác định có 969 người tham gia, tổng số dư hiện tại của nhà đầu tư (NĐT) tại thời điểm kiểm tra là gần 15 tỉ đồng.
Ngoài ra, khi mở rộng chuyên án, khai thác được từ thiết bị điện tử của các đối tượng, cơ quan công an phát hiện các đối tượng này còn quản trị hàng chục sàn giao dịch ngoại hối, sàn BO (sàn giao dịch theo hình thức nhị phân), tiền ảo, các website có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Qua trích xuất sơ bộ 16 sàn giao dịch điện tử khác do các đối tượng quản trị xác định, cơ quan công an nhận thấy có khoảng 115.726 tài khoản trên sàn, tổng số dư hiện tại của các sàn là hơn 7.505 tỉ đồng, tổng số tiền đã rút ra là 611 tỉ đồng…
Đây không phải là vụ triệt phá sàn giao dịch ngoại tệ, vàng, chứng khoán quốc tế (forex) đầu tiên, mà trước đó rất nhiều sàn trái phép cũng bị phát hiện.
Hôm 23.6, M.Ngọc, một nhân viên môi giới của sàn DK Trade, đã liên tục “dội bom” tin nhắn cho chị Lê Kim (Q.1, TP.HCM) về việc đầu tư chứng khoán quốc tế cùng thông tin khách hàng đã có lợi nhuận sau khi bỏ vốn đầu tư. Theo chị Lê Kim, hầu như ngày nào ít nhất chị cũng nhận được 2 – 3 tin nhắn như trên dù chị đã từ chối không tham gia.
Theo thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội, hiện nay thị trường VN có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép, thu hút nhiều người tham gia đầu tư.
Chiêu trò thả mồi, lùa gà…
Hầu hết những sàn forex, đa cấp hiện nay dù thay đổi nhiều tên gọi, sử dụng nhiều mô hình khác nhau nhưng cũng có một số điểm chung là cho nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại), liên hệ qua Zalo, Facebook.
Các sàn đều được giới thiệu có nguồn gốc từ nước ngoài, có hệ thống kỹ thuật giúp thực hiện giao dịch nhanh chóng, chính xác. Để kêu gọi những người tham gia, các sàn forex thường mời gọi nạp tiền càng nhiều thưởng càng cao.
Chẳng hạn sàn T. mời chào NĐT nạp 100 USD được thưởng 100 USD và nhận lì xì trong 24 giờ; còn nếu nạp 5.000 USD, tiền thưởng lên 7.500 USD và lì xì 1,173 triệu đồng… Bên cạnh đó, các sàn này còn chia hoa hồng cho những thành viên cũ giới thiệu thêm người mới với tỷ lệ hoa hồng từ 0,25 – 1% tùy theo cấp; cam kết lợi nhuận cho NĐT từ 5 -30%/tháng.
Sàn Hitoption.net thậm chí sử dụng chế độ chơi tự động để đặt lệnh thay cho việc khách hàng tự giao dịch, đồng thời có thể can thiệp vào việc đặt lệnh để khách hàng thắng hoặc thua.NĐT có thể tự đặt cược các cặp tiền điện tử (tương tự như trò chơi tài xỉu) hoặc ủy thác cho robot của sàn cung cấp tự động chơi với lãi suất được các đối tượng cam kết từ 6 – 15%/tháng. Trong vòng 100 ngày, người chơi có thể rút gốc và lãi. Khi người chơi giới thiệu người mới tham gia thì được hưởng 1,5% tiền hoa hồng…
Sau khi tham gia, ban đầu thường NĐT đều thắng. Sau đó nhân viên môi giới sẽ tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng, kết cục chung là mất hết tiền trong tài khoản. Khi đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu NĐT chuyển sang một sàn mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua.
Đáng nói, tất cả các sàn forex được các đối tượng thiết kế đều có thể can thiệp vào tài khoản của các khách hàng để đặt lệnh hay thậm chí thay đổi số dư tiền. Sau một thời gian, khi NĐT yêu cầu rút tiền thì chủ sàn kéo dài thời gian và điều chỉnh chế độ giao dịch làm cho những người này liên tục bị lỗ, dẫn đến hết tiền trên tài khoản.
Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các NĐT, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan công an và NĐT không thể đi đòi tiền…
Theo thanhnien.vn
6. Lừa đảo làm cộng tác viên bán hàng online
Một đường dây lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng qua mạng (online) tồn tại 3 năm qua trên phạm vi toàn quốc vừa được Công an Hà Tĩnh triệt phá.
Thủ đoạn tinh vi, lừa đảo hàng nghìn người
Theo trung tá Nguyễn Phi Hải – Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh, đường dây lừa đảo này đã hoạt động từ năm 2018 đến nay với hệ thống chân rết trải rộng trên khắp địa bàn cả nước. Chỉ tính riêng trong 6 tháng cuối năm 2020, đường dây này đã chiếm đoạt hơn 100 tỉ đồng; trong 3 tháng đầu năm 2021, các đối tượng đã lừa hơn 3.000 bị hại.
Sau hơn 4 tháng tổ chức điều tra, Công an Hà Tĩnh đã huy động hàng trăm cán bộ các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố, thị xã cùng tham gia bóc gỡ đường dây lừa đảo này.
Ban chuyên án đã triển khai lực lượng đến 45 tỉnh, thành phố trong cả nước, bắt giữ, triệu tập hơn 100 đối tượng đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau, thu giữ 4 ôtô, 80 máy tính, gần 200 điện thoại di động, 3,6 tỉ đồng tiền mặt và hơn 30 thùng hàng.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố bị can Lê Huy Nhật (28 tuổi, trú phường Lam Sơn, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, là một trong hai đối tượng cầm đầu) và 36 đối tượng khác về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục mở rộng điều tra và thông báo ai là nạn nhân thì đến trình báo với cơ quan này.
Theo điều tra của Công an tỉnh Hà Tĩnh, phương thức hoạt động của đường dây lừa đảo nói trên là lập các trang fanpage Facebook bán hàng mỹ phẩm như son môi, mặt nạ dưỡng da, nước hoa… rồi thuê cộng tác viên bán hàng online.
Mức thu nhập từ khoảng 10 – 15 triệu đồng/tháng, công việc chỉ cần đăng bài viết và hình ảnh do công ty cung cấp, khi khách có nhu cầu mua sản phẩm thì đặt rồi nhập hàng từ công ty về giao cho khách.
Cộng tác viên chỉ cần đăng bài rao bán sản phẩm mỗi ngày, nếu không có khách sẽ được hưởng 50.000 đồng/ngày, nếu có khách được hưởng 100.000 đồng/ngày. Ngoài ra, mỗi sản phẩm bán được thì cộng tác viên sẽ được hưởng chênh lệch 10 – 20%.
Để các nạn nhân sập bẫy, các đối tượng lừa đảo dùng Facebook ảo, sim rác đóng giả làm người mua hàng, đặt hàng. Sau đó, cộng tác viên sẽ chuyển tiền đặt mua hàng từ công ty để giao cho khách. Thế nhưng, sau đó khách hàng bỗng “mất tích” không nhận hàng thì cộng tác viên không thể trả lại hàng nữa vì địa chỉ nhà phân phối là giả và hàng hóa đó cũng kém chất lượng, không thể sử dụng.
Theo laodong.vn
7. Giả nhà cung cấp để lừa đảo chiếm đoạt tiền
Cuối tháng 2/2021, anh Tạ Văn Đức (Hòa Bình) nhận được lời mời kết bạn và tin nhắn qua mạng xã hội Zalo từ tài khoản tên “Đồ gỗ cao cấp” với nội dung chào hàng các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ.
Anh Đức đã đặt mua hàng 03 sản phẩm với tổng số tiền là hơn 21,5 triệu đồng. Số tiền này được anh Đức chuyển tài khoản của cá nhân tên Nguyễn Văn T ở Bắc Ninh. Vài ngày sau khi chuyển tiền mua hàng thì anh Đức phát hiện tài khoản Zalo “Đồ gỗ cao cấp” đã bị khóa và số điện thoại liên lạc với tài khoản cũng bị chặn. Không còn cách nào khác, anh Đức phải báo với cơ quan chức năng.
Trước đó, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Nguyễn Cao Dũng (sinh năm 1996), trú tại xã An Châu, huyện Đông Hưng (Thái Bình) đã lập tài khoản facebook mang tên “Dũng Nguyễn” để bình luận vào bài đăng của những người có nhu cầu mua khẩu trang.
Sau đó, một người ở Đông Triều (Quảng Ninh) đã giao dịch đặt mua của Dũng 150 thùng khẩu trang y tế với giá giao dịch đặt cọc là 200 triệu đồng. Sau một thời gian chuyển tiền không thấy Nguyễn Cao Dũng gửi hàng, khi liên lạc lại thì Dũng báo không có hàng và chuyển lại số tiền 100 triệu đồng; số tiền còn lại Dũng đã tiêu xài vào mục đích cá nhân. Người mua hàng đã trình báo với cơ quan Công an. Qua xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Hưng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Cao Dũng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Thực tế cho thấy, lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, lừa đảo trực tuyến, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng đang dần trở thành xu hướng phạm tội khá phổ biến.
Để thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến, các đối tượng tội phạm thường sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người dân. Điển hình là kết bạn qua mạng xã hội và bán hàng với giá rẻ, yêu cầu bị hại chuyển khoản đặt cọc.
Sau khi nhận cọc hay được chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, chúng thường khóa trang mạng của mình hoặc xóa hẳn để xóa dấu vết, bỏ số điện thoại và chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Theo dangcongsan.vn
8. Gửi link khuyến mãi, giả mạo website siêu thị lừa đảo khách mua sắm trong mùa dịch
Chiều 26/6, đại diện hệ thống Co.opmart cho biết đang có tình trạng giả mạo trang web, đường link khuyến mãi của siêu thị này để lừa đảo.
Theo đại diện Co.opmart, lợi dụng nhu cầu mua sắm trên nền tảng onine tăng cao, một số thành phần xấu đã mạo danh các nhãn hàng, siêu thị để gửi link (đường dẫn) lừa người dân nhập tên, mật khẩu facebook cá nhân.
Cá biệt có một số trang khuyến dụ người dân cung cấp thông tin, mật khẩu tài khoản ngân hàng rồi sau đó chiếm dụng.
Thủ thuật chung là gửi link có nội dung khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn và yêu cầu người dân nhập thông tin đăng nhập trang facebook cá nhân, hay nguy hiểm hơn là mật khẩu tài khoản ngân hàng cá nhân sau đó thủ phạm tiến hành chiếm đoạt tài khoản của các nạn nhân.
Đối với các tài khoản facebook cá nhân, thủ phạm sẽ lần lượt nhắn tin danh sách bạn bè để nhờ nạp tiền, chuyển khoản… Đối với các tài khoản ngân hàng, kẻ gian sẽ thực hiện chuyển tiền hoặc rút tiền… để chiếm đoạt.
Đại diện Co.opmart cho biết không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp những thông tin cá nhân cần phải bảo mật như mật khẩu facebook, mật khẩu ngân hàng… khi mua sắm trên các trang online của mình. Để bảo đảm an toàn cho khách, các siêu thị thường chỉ yêu cầu khách hàng để lại thông tin liên lạc, như số điện thoại di động, địa chỉ, để chủ động gọi lại cho khách chốt đơn hàng và thời gian giao nhận.
Đây không phải là trường hợp lừa đảo mạo danh mới xảy ra nhưng do bối cảnh nhu cầu mua sắm online tăng cao nên vẫn có người mất cảnh giác, bị lừa. Kể từ khi dịch Covid-19 diễn ra, nhu cầu mua sắm qua mạng bắt đầu tăng cao và nhiều nhãn hàng lớn như Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Điện máy Xanh, Shopee… đều bị mạo danh gửi các chương trình tặng quà, trúng thường và link kèm mã độc nhằm phát tán, thu thập và chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng.
Theo ANTV
9. Lập gian hàng ảo để chiếm đoạt tiền
Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ đối với đối tượng Nguyễn Văn Thuẩn, trú tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để điều tra về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Từ tháng 5 năm 2018, Thuẩn làm giám sát vận hành cho công ty chuyển phát J&T Express chi nhánh Nha Trang, nên có hiểu biết về phần mềm quản lý nhân sự của công ty J&T.
Lợi dụng cơ chế nhận tiền thu hộ của sàn điện tử Shopee, cụ thể khi người mua xác nhận đã nhận hàng trên Shopee thì lập tức Shopee sẽ ứng tiền thanh toán cho gian hàng đã bán sản phẩm và thu lại số tiền đó từ công ty J&T, từ ngày 28/5 đến ngày 31/5, Thuẩn mượn tài khoản ngân hàng của người quen rồi tự lập ra và sử dụng 3 tài khoản người bán tạo ra các sản phẩm ảo trên gian hàng, sau đó sử dụng 4 tài khoản người mua để đặt 34 đơn hàng ảo chủ yếu là các sản phẩm điện thoại, phụ kiện, đồ gia dụng đắt tiền.
Bằng hình thức trên, Thuẩn đã chiếm đoạt trót lọt số tiền gần 1 tỷ đồng.
Theo ANTV
10. ‘Tổng đài CSGT’ dỏm chuyên thông báo ‘phạt nguội’
Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang triển khai lực lượng xác minh, điều tra về hình thức lừa đảo gọi điện tự xưng là tổng đài của CSGT, thông báo người dân có biên lai ‘phạt nguội’.
Rất nhiều người đã phản ảnh với báo chí hoặc cảnh báo trên mạng xã hội về việc họ nhận được các cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự xưng là tổng đài của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), thông báo có biên lai ‘phạt nguội’ rồi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, chuyển tiền để ‘xác minh, điều tra, xử lý vi phạm’.
Đây là hình thức lừa đảo đã được Cục CSGT (Bộ Công an) và các cơ quan chức năng cảnh báo trước đó, tuy nhiên hiện nay tình trạng này lại tiếp tục xảy ra.
Sáng 26/6, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại tá Nguyễn Quang Nhật, trưởng phòng tuyên truyền, hướng dẫn giải quyết tai nạn giao thông Cục CSGT, cho biết thời gian qua, trung bình mỗi ngày đường dây nóng của Cục CSGT cũng nhận được hàng chục cuộc gọi của người dân phản ánh về tình trạng trên.
Theo đại tá Nhật, Cục CSGT đã tuyên truyền, cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng về hình thức lừa đảo này và khẳng định Cục CSGT, CSGT toàn quốc không gọi điện thoại, nhắn tin cho người dân để xử lý vi phạm.
CSGT chỉ có các hình thức như gửi thông báo phạt nguội về địa chỉ nơi chủ xe đăng ký hộ khẩu thường trú, gửi thông báo cho công an cơ sở để mời người vi phạm lên tiếp nhận thông báo vi phạm. Hoặc khi đi đăng kiểm phương tiện sẽ được cơ quan đăng kiểm thông tin về trường hợp vi phạm và đề nghị tới đơn vị CSGT phát hiện vi phạm để xử lý.
“Bên cạnh việc cảnh báo, Cục CSGT đã phối hợp, thông tin đến Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về hình thức lừa đảo này để đơn vị xem xét, sàng lọc và xử lý những kẻ lừa đảo này”, đại tá Nhật nói.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), cho biết, đơn vị đã tiếp nhận thông tin về hình thức lừa đảo này từ Cục CSGT.
Theo thiếu tướng Giang, kẻ lừa đảo thường dùng sim rác hoặc gọi điện qua mạng Internet rồi tự xưng là tổng đài viên của CSGT thông báo đến người dân về vi phạm giao thông có biên lai ‘phạt nguội’… yêu cầu cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số CMND, CCCD, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… Đây là hình thức lừa đảo mới nhưng thủ đoạn thì giống với các hình thức lừa đảo trước đây.
“A05 đang triển khai lực lượng xác minh, điều tra về hình thức lừa đảo này. Khi có đơn khiếu nại, tố giác của người dân về vụ việc cụ thể thì đơn vị sẽ xem xét xử lý. Nếu vụ việc có gây hậu quả lừa đảo thì chúng tôi sẽ truy tìm và xử lý đối tượng lừa đảo”, thiếu tướng Giang nói.
Tuy nhiên, theo thiếu tướng Giang, việc xử lý tội phạm lừa đảo qua mạng khá khó khăn vì không gian mạng có nhiều dịch vụ ẩn danh, kẻ lừa đảo gọi điện từ các ứng dụng, tổng đài máy chủ đặt ở nước ngoài nên rất khó truy vết cuối cùng.
Thời gian qua, A05 đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn công an các đơn vị địa phương tăng cường nắm bắt thông tin để tuyên truyền cho người dân biết và tránh bị “sập bẫy” kẻ lừa đảo. Vì vậy, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với loại tội phạm này.
Khuyến cáo
Các chuyên gia về an ninh mạng cũng cho rằng, hiện nay số lượng người sử dụng các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram… ở nước ta rất lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, cá nhân sử dụng mạng xã hội cần luôn tỉnh táo, cảnh giác.
- Khi có người nhắn tin hỏi vay tiền, nhờ nạp tiền điện thoại… thì phải gọi điện trực tiếp kiểm tra, xác minh.
- Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.
- Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên MXH, đặc biệt là những người quảng cáo bán hàng…
- Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc.
- Đồng thời, tuyệt đối giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet… cho bất kỳ người lạ nào gọi đến.
- Không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
- Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết…
- Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần bình tĩnh, kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.