Ngày này năm xưa 10/12 có 5 sự kiện của Việt Nam và 5 sự kiện của thế giới.
Thế giới ngày 10/12 năm xưa:
1. Tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn phát hành lần đầu tiên năm 1884
Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn là tiểu thuyết được xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 1884. Tác giả tiểu thuyết này là Mark Twain, nhân vật đã được Top-10 giới thiệu trong Ngày này năm xưa 30/11, là ngày mất của Mark Twain.
Huckleberry Finn được xem là cuốn tiếp theo của quyển Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, xuất bản năm 1876. Nhân vật kể chuyện, Huckleberry Finn, là bạn của Tom Sawyer. Câu chuyện kể về những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn trên dòng sông Mississippi với người bạn là Jim, một nô lệ đang chạy thoát.
2. Ngày mất của Alfred Nobel năm 1896
Alfred Bernhard Nobel sinh năm 1833, là một nhà hóa học, một nhà kỹ nghệ, nhà sản xuất vũ khí, người phát minh ra thuốc nổ và một triệu phú người Thụy Điển. Ông dùng toàn bộ tài sản của mình nhằm sáng lập ra Giải thưởng Nobel. Nguyên tố hóa học Nobelium được đặt theo tên của ông.
Ý tưởng lập ra giải Nobel đến từ việc Alfred Nobel bị người đương thời cho rằng trở nên giàu có vì đã phát minh ra “cách giết người nhanh chóng hơn bao giờ hết” là thuốc nổ. Vì vậy, ông muốn để lại một di sản có ý nghĩa hơn cho thế giới.
Alfred Nobel mất ngày 10 tháng 12 năm 1896 do đột quỵ. Sau khi ông mất, phần lớn tài sản của ông được dành để thành lập Quỹ giải Nobel.
3. Các giải Nobel được trao lần đầu tiên năm 1901
5 năm sau cái chết của Alfred Nobel, ngày 10 tháng 12 năm 1901, những giải thưởng Nobel đầu tiên đã được trao tặng ở Stockholm, Thụy Điển, trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, y học, văn học và hòa bình.
Ngày nay, Nobel được coi là giải thưởng uy tín nhất trên thế giới trong các lĩnh vực khoa học khác nhau.
4. Phim Avatar lần đầu được công chiếu năm 2009
Avatar là phim khoa học viễn tưởng của Mỹ, lần đầu được công chiếu ngày 10 tháng 12 năm 2009 tại London. Đây là phim 3D đầu tiên của thế giới, đánh dấu bước tiến lớn trong công nghệ điện ảnh.
Bộ phim lấy bối cảnh vào năm 2154, khi con người đang khai thác một khoáng vật quý giá gọi là unobtanium tại hành tinh Pandora. Việc mở rộng khai thác mỏ tại cụm làng đang đe dọa sự tồn tại của tộc người bản địa Na’vi ở Pandora. Tiêu đề của bộ phim đề cập đến ứng dụng công nghệ gen trong việc lai DNA giữa người Na’vi và người Trái Đất của một nhóm nghiên cứu sự tương tác với người bản địa ở Pandora.
5. Ngày Nhân quyền
Ngày 10 tháng 12 hàng năm được tôn vinh là Ngày Nhân quyền Quốc tế, do Liên hợp quốc ấn định.
Ngày này được chọn để kỷ niệm việc Liên Hợp Quốc công bố Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948. Bà Eleanor Roosevelt, nguyên Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, đã đại diện Liên hợp quốc tuyên đọc bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền lịch sử tại Paris, Pháp.
Bản Tuyên ngôn này là nền tảng cho Bộ luật Nhân quyền quốc tế, bao gồm hai công ước cơ bản về quyền con người cùng được Liên hợp quốc thông qua vào năm 1966 là Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và Công ước quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.
Ngày này năm xưa 10/12 của Việt Nam:
1. Hội thề Đông Quan năm 1427
Hội thề Đông Quan là tên gọi của một sự kiện diễn ra ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi (tức ngày 10 tháng 12 năm 1427), giữa thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn Lê Lợi và chủ tướng quân Minh là Vương Thông.
Hai bên lập lời thề rằng sau sự kiện này, bên quân Minh do Vương Thông làm chủ tướng lập tức dẫn quân trở về nước, còn nghĩa quân Lam Sơn không được hãm hại quân Minh. Sau sự kiện này, cả hai bên đều làm đúng theo lời thề, nước Đại Việt lập lại hòa bình sau 20 năm bị quân Minh đô hộ.
2. Nguyễn Trung Trực đốt cháy chiến thuyền Pháp trên sông Nhật Tảo năm 1898
Vào khoảng sáng ngày 10 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực cùng quyền sung Phó Quản binh đạo Huỳnh Khắc Nhượng, Võ Văn Quang, quản toán Nguyễn Học, và hương thôn Hồ Quang Chiêu (Đại Nam thực lục chép là lương thân Hồ Quang)… tổ chức đám cưới giả, sau đó phục kích đốt cháy chiến hạm L’Espérance của Pháp.
Trận này quân của Nguyễn Trung Trực đã diệt 17 lính và 20 cộng sự người Việt, chỉ có tám người trốn thoát.
Nhân vật Nguyễn Trung Trực đã được Top-10 giới thiệu vào Ngày này năm xưa 27/10, là ngày mất của ông.
3. Thành lập Đại Việt Quốc dân Đảng năm 1939
Đại Việt Quốc dân Đảng, thường được gọi tắt là Đảng Đại Việt, là một đảng phái chính trị của Việt Nam, thành lập từ ngày 10 tháng 12 năm 1939.
So với các đảng phái khác, Đảng Đại Việt không có hậu thuẫn về quân sự, cũng không được sự ủng hộ của nhân dân, vì vậy luôn yếu thế và bị trấn áp bởi cả chính quyền Cách mạng và chính quyền Ngụy quyền. Do đó, các đảng viên Đại Việt nhiều lần phân hóa, sáp nhập, dẫn đến sự hình thành nhiều hệ phái khác nhau.
Thực tế, năm 1945, Chính phủ Việt Nam đã ký sắc lệnh yêu cầu giải thể chính đảng này. Tuy nhiên, chính đảng này vẫn hoạt động trong miền Nam, thậm chí nắm một số vị trí quan trọng trong chính quyền Ngụy.
4. Kết thúc chiến dịch Lộc Ninh năm 1967
Trận Lộc Ninh xảy ra từ 27 tháng 10 đến 10 tháng 12 năm 1967 giữa Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam với liên quân Mỹ – Việt Nam Cộng hòa. Trong chiến dịch này diễn ra 60 trận đánh lớn nhỏ khác nhau khiến liên quân Mỹ – Ngụy thiệt hại 5.420 người (có 3.000 Mỹ), phá hủy 103 xe cơ giới, 63 khẩu pháo, 4 kho đạn và xăng dầu, tiêu diệt 1 chi khu, 617 lính VNCH bị bắt sống, thu 172 súng.
Top-10 đã giới thiệu trận đánh này vào Ngày này năm xưa 27/10.
5. Ngày mất của bà Nguyễn Thị Thứ năm 2010
Bà Nguyễn Thị Thứ sinh năm 1904, được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Bà Thứ có chồng, 9 người con trai, một con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ, là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp chống Mỹ kéo dài gần 30 năm.
Bà trở thành bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, được lấy làm nguyên mẫu xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Quảng Nam trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Bà mất vào lúc 01 giờ 40 phút sáng ngày 10 tháng 12 năm 2010 tại Đà Nẵng.
Xem thêm sự kiện ngày này năm xưa 10/12 tại đây.