Ngày này năm xưa 11/11 có 6 sự kiện của thế giới và 4 sự kiện của Việt Nam.
Ngày 11/11 trong lịch sử thế giới:
1. Ngày sinh Alfred Hermann Fried năm 1864
Alfred Hermann Fried sinh ngày 11 tháng 11 năm 1964, là một ký giả người Áo gốc Do Thái. Ông được biết đến với vai trò đồng sáng lập Phong trào hòa bình Đức, nhận giải Nobel Hòa bình năm 1911.
Alfred Hermann Fried là người đề xướng ra nhiều ý tưởng xây dựng một tổ chức hiện đại nhằm đảm bảo hòa bình trên toàn thế giới. Những ý tưởng này sau đó được thực hiện thông qua việc thành lập Hội quốc liên (sau Thế chiến I) và Liên hợp quốc.
2. Chiến tranh Thế giới thứ I kết thúc giao tranh năm 1918
Sau 4 năm, 3 tháng và 2 tuần, Thế chiến I chính thức kết thúc vào ngày 11 tháng 11 năm 1918, khi thống chế Ferdinand Foch ký kết thỏa thuận ngừng bắn tại tàu hỏa cá nhân của ông này. Sự kiện này cũng đánh dấu sự thất bại của phe Trung tâm.
Thế chiến I là cuộc chiến tranh hiện đại, tổng lực, toàn diện và sử dụng vũ khó hàng loạt đầu tiên. Cuộc chiến gây ra cái chết cho hơn 10 triệu người, làm hàng chục triệu người khác bị tàn phá, đồng thời đánh dấu sự tụt dốc của châu Âu và sự lên ngôi bá quyền của nước Mỹ.
3. Ngày sinh của Leonardo DiCaprio năm 1974
Leonardo DiCaprio sinh ngày 11 tháng 11 năm 1974) là một diễn viên, nhà sản xuất phim người Mỹ. Anh là một trong những nam diễn viên thành công nhất mọi thời đại, với các giải thưởng Quả cầu vàng, giải Oscar và giải thưởng điện ảnh Viện hàn lâm Anh quốc.
Một số bộ phim nổi tiếng có sự góp mặt của Leonardo DiCaprio: Titanic (1997); Phi Công Tỷ Phú (The Aviator – 2004); Sói Già Phố Wall (The Wolf of Wall Street – 2013).
4. Quốc khánh Angola năm 1975
Cộng hòa Angola từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha kể từ giữa thế kỷ XVII. Đến năm 1975, cuộc kháng chiến chống lại Bồ Đào Nha giành được thắng lợi, dẫn đến việc Angola tuyên bố độc lập vào ngày 11 tháng 11 năm 1975.
Tuy nhiên, sau khi độc lập, Angola tiếp tục rơi vào nội chiến cho đến năm 2002.
5. Tổng thống Palestine Yasser Arafat qua đời năm 2004
Yasser Arafat là một nhà lãnh đạo của Palestine. Ông là Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine và Tổng thống Chính quyền quốc gia Palestine. Arafat dành cả cuộc đời để đấu tranh chống lại Israel, giành độc lập và tự quyết cho nhân dân Palestine.
Arafat là người cùng nhận giải Nobel Hòa bình với Thủ tướng Yitzhak Rabin của Israel nhờ việc ký kết Hiệp định Olso. Tuy nhiên, ông Rabin bị ám sát sau đó cũng vì hiệp định này.
Năm 2004, Arafat mắc bệnh nặng và được đưa đi chữa trị tại Pháp. Tuy nhiên, sau nhiều ngày hôn mê sâu, Arafat qua đời ngày 11 tháng 11 năm 2004. Cái chết của ông được nhiều người cho là bị đầu độc hoặc ám sát.
6. Ngày độc thân – lễ hội mua sắm của Trung Quốc
Ngày 11 tháng 11 được xem là ngày lễ độc thân (quang côn tiết) ở Trung Quốc. Đây không phải là ngày lễ truyền thống mà là một sự kiện bắt nguồn từ internet.
Vào ngày này, các hãng bán lẻ, thương mại điện tử tại Trung Quốc tung ra những đợt giảm giá mạnh. Do đó, đây được mệnh danh là lễ hội mua sắm của Trung Quốc (tương tự như black Friday ở các nước phương Tây). Hiện nay nhiều hãng bán lẻ và sàn thương mại điện tử trên toàn thế giới cũng tổ chức đại hạ giá vào ngày 11/11.
Ngày này năm xưa 11/11 của Việt Nam:
1. Ngày sinh của Phan Thanh Giản năm 1796
Phan Thanh Giản sinh ngày 11 tháng 11 năm 1796, là một vị quan đại thần của triều nhà Nguyễn. Ông nổi tiếng với việc là người đàm phán và chấp thuận cắt 3 tỉnh Nam Kỳ cho thực dân Pháp. Chính vì sự việc này mà dân gian có câu truyền miệng “Phan Lâm mãi quốc, triều đình thí dân” (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước, triều đình bỏ dân chúng).
Sau này, Phan Thanh Giản đồng ý trao thành Vĩnh Long cho Pháp, sau đó gửi mũ áo, sớ tạ tội về triều đình rồi uống thuốc độc tự sát ngày 4 tháng 8 năm 1867.
Phan Thanh Giản bị phê phán vì có thái độ chủ hòa với Pháp. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học và trí thức đã bày tỏ sự thông cảm đối với nỗi lo dân chúng chịu khổ bởi chiến tranh của ông, có thể kể đến như Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu.
2. Ngày sinh nhà văn, liệt sĩ Trần Đăng năm 1921
Trần Đăng, tên thật là Đặng Trần Thi, sinh ngày 11 tháng 11 năm 1921. Ông từng tham gia cách mạng với vai trò phóng viên mặt trận báo Vệ quốc quân, viết nhiều tác phẩm văn xuôi, tiểu luận, văn nghệ kháng chiến.
Cuối năm 1949, trên đường đi thực hiện nhiệm vụ liên lạc, Trần Đăng bị giặc sát hại và trở thành “người văn nghệ binh thứ nhất đổ máu trên chiến trường”. Phần mộ của Trần Đăng đặt tại nghĩ trang liệt sĩ Từ Liêm, cũng là quê hương của ông.
Trần Đăng được truy tặng giải thưởng nhà nước về văn học năm 2007.
3. Ngày mất Hàn Mặc Tử năm 1940
Hàn Mặc Tử tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, là nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, người khởi xướng ra Trường thơ Loạn và tiên phong cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam.
Người ta kể lại rằng Hàn Mặc Tử có vóc người ốm yếu, tính tình hiền lành, giản dị, hiếu học và thích giao du bạn bè. Hàn Mặc Tử cũng là người đa tình, có nhiều mối tình với những người phụ nữ, cũng là nhân vật trong thơ của ông.
Cuộc đời của Hàn Mặc Tử kết thúc trong sự cô đơn và đau đớn khi mắc bệnh phong, bị đưa đi cách ly tại trại phong Quy Hòa, sau đó qua đời ngày 11 tháng 11 năm 1940 vì chứng kiết lỵ.
4. Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán năm 1945
Ngày 11 tháng 11 năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương đưa ra thông cáo tuyên bố việc “tự ý giải tán”. Tuy nhiên, đây thực chất là động thái nhằm rút vào hoạt động bí mật, trước âm mưu xâm lược trở lại của thực dân Pháp.
Sau tuyên bố tự giải tán, Đảng Cộng sản Đông Dương phát triển nhanh chóng, đến cuối năm 1945 đã có khoảng 20 nghìn thành viên. Đồng thời, Đảng cũng dần củng cố các tổ chức từ Trung ương tới địa phương và lãnh đạo toàn diện cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Xem thêm sự kiện ngày này năm xưa 11/11 tại đây.