Ngày này năm xưa 15/1 có 4 sự kiện của Việt Nam và 6 sự kiện của thế giới.
Thế giới ngày 15/1:
1. Ngày sinh Moliere năm 1622
Jean-Baptiste Poquelin được biết đến với nghệ danh Molière, sinh ngày 15 tháng 1 năm 1622. Ông là nhà viết kịch, diễn viên và nhà thơ người Pháp, được coi là một trong những nhà văn vĩ đại nhất trong ngôn ngữ Pháp.
Ảnh hưởng của ông lớn đến mức bản thân ngôn ngữ Pháp thường được gọi là “ngôn ngữ của Molière”.
2. Ngày sinh Martin Luther King năm 1929
Martin Luther King sinh ngày 15 tháng 1 năm 1929. Ông là Mục sư Baptist, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi. Ông được trao giải Nobel Hoà bình năm 1964 vì những nỗ lực chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc qua biện pháp bất tuân dân sự, và các phương tiện bất bạo động khác.
Ngày 4 tháng 4 năm 1968, King bị ám sát tại Memphis, Tennessee.
3. Động đất Nepal – Bihar giết chết hơn 10 nghìn người năm 1934
Động đất Nepal–Bihar có cường độ 8 độ richter xảy ra vào ngày 15 tháng 1 năm 1934. Trận động đất khiến 3 đô thị chính tại thung lũng Kathmandu là Kathmandu, Bhaktapur và Patan chịu thiệt hại nghiêm trọng. Hầu hết các tòa nhà bị sụp đổ.
Khoảng hơn 10 nghìn người bị thiệt mạng trong trận động đất này. Đáng chú ý, đền thờ Pashupatinath, vị thần bảo hộ cho Nepal, không bị tổn hại chút nào. Lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi nhận định, trận động đất là sự trừng phạt của thượng đế vì Ấn Độ thất bại trong việc xóa bỏ chế độ giai cấp.
4. Khánh thành Lầu Năm Góc năm 1943
Lầu Năm Góc là trụ sở của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Là biểu tượng của Quân đội Hoa Kỳ, cụm từ Lầu Năm Góc thường hoán dụ cho Bộ Quốc phòng và cũng như sự lãnh đạo của cơ quan này trong quân đội.
Tòa nhà này được khỏi công xây dựng vào ngày 11 tháng 9 năm 1941 và hoàn thành vào ngày 15 tháng 1 năm 1943.
5. Wikipedia lần đầu xuất hiện trên internet năm 2001
Wikipedia ra mắt vào ngày 15 tháng 1 năm 2001 dưới dạng một ấn bản bằng ngôn ngữ tiếng Anh duy nhất tại www.wikipedia.com. Đây là một bách khoa toàn thư mở trực tuyến đa ngôn ngữ phổ biến nhất hiện nay.
Tính đến tháng 1 năm 2021, theo xếp hạng của Alexa, Wikipedia là một trong 15 trang web phổ biến nhất thế giới. Tuy nhiên, trang web này không được chấp nhận làm nguồn tin học thuật do tính chất “mở”.
6. Ngày mất James Hillier năm 2007
James Hillier sinh năm 1915, là nhà khoa học và nhà phát minh người Mỹ gốc Canada. Ông đã cùng với nhà khoa học Albert Prebus thiết kế và chế tạo thành công kính hiển vi điện tử đầu tiên năm 1938.
Hillier là nhà khoa học được nhiều người yêu mến. Không chỉ cống hiến cho khoa học, ông còn đóng góp nhiều vào sự nghiệp giáo dục, hỗ trợ công nghệ cho các quốc gia đang phát triển. Ông mất ngày 15 tháng 1 năm 2007 tại New Jersey.
Ngày này năm xưa 15/1 của Việt Nam:
1. Ngày sinh Trần Hữu Dực năm 1910
Trần Hữu Dực sinh ngày 15 tháng 1 năm 1910. Ông là cựu chính khách Việt Nam, từng giữ chức Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trần Hữu Dực tham gia các mạng khi chỉ mới 15 tuổi. Đến năm 16 tuổi, ông thành lập nhóm cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị, quê hương ông. Ông từng 3 lần bị địch bắt, bị kết án đến 29 năm tù và 22 năm quản thúc.
Sau năm 1945, Trần Hữu Dực giữ nhiều trọng trách như công tác hậu cần quân đội, Bộ trưởng Bộ Nông trường, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao…
2. Ngày sinh Huỳnh Phú Sổ năm 1920
Huỳnh Phú Sổ sinh ngày 15 tháng 1 năm 1920. Ông là người sáng lập đạo Phật giáo Hòa Hảo.
Từ thuở bé, Huỳnh Phú Sổ đã có căn tính của một người tu hành, ông không thích đàn địch, ca hát, cười giỡn như các bạn cùng trang lứa, lúc nào ông cũng trầm tư, tĩnh mặc, thích ở nơi thanh vắng, yên tĩnh.
Huỳnh Phú Sổ mắc bệnh nặng, chạy chữa khắp nơi nhưng không thuyên giảm, cho đến khi ông đi viếng cảnh núi Tà Lon và Thất Sơn. Sau đó, ông tuyên bố sáng lập đạo Hòa Hảo khi mới 19 tuổi.
3. Ngày sinh Đoàn Trọng Truyến năm 1922
Đoàn Trọng Truyến sinh ngày 15 tháng 1 năm 1922. Ông là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân; nguyên Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ từ tháng 5 năm 1984 đến tháng 2 năm 1987.
Đoàn Trọng Truyến nổi tiếng với việc là người chỉ đạo cuộc cải cách giá – lương – tiền. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có kinh nghiệm điều hành chính sách kinh tế, cuộc cải cách này không đạt được kết quả như mong muốn.
4. Báo Nhành Lúa ra số đầu tiên năm 1937
Ngày 15 tháng 1 năm 1937, tòa soạn báo Nhành Lúa đã phát hành số đầu tiên tại Huế. Đây là tờ báo có nội dung đấu tranh dân chủ, chống lại áp bức, bóc lột của thực dân Pháp, do nhà báo Hải Triều làm chủ bút.
Báo Nhành Lúa mở ra thời kỳ đầu tranh công khai trên lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên, do bị đàn áp, tờ báo đình bản sau 9 số được phát hành.
Xem thêm sự kiện ngày này năm xưa 15/1 tại đây.