Ngày này năm xưa 17/11 có 4 sự kiện của Việt Nam và 6 sự kiện của thế giới.
Thế giới ngày 17/11 năm xưa:
1. Elizabeth I lên ngôi Nữ hoàng Anh năm 1558
Elizabeth I là Nữ vương nước Anh và Ireland từ ngày 17 tháng 11 năm 1558. Bà được biết đến với các danh hiệu là Nữ vương đồng trinh, Nữ vương thần tiên…
Giai đoạn trị vì của Elizabeth I được coi là thời kỳ hoàng kim của lịch sử nước Anh, về kinh tế, chính trị và văn hóa. Nhiều vĩ nhân của nước Anh đã thành danh dưới triều đại của bà. Lịch sử ghi chép rằng Elizabeth I là người điềm tĩnh, quyết đoán, biết cách giải quyết vấn đề.
2. Phát hiện Thác Victoria năm 1855
Ngày 17 tháng 11 năm 1855, nhà thám hiểm David Livingstone đã trở thành người châu Âu đầu tiên nhìn thấy thác nước Victoria.
Thác Victoria nằm ở miền nam châu Phi, ở biên giới Zambia và Zimbabwe. Thác nước Victoria là một trong những thác nước lớn nhất và được coi là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới.
3. Khánh thành kênh đào Suez năm 1869
Kênh đào Suez là kênh giao thông nhân tạo thuộc lãnh thổ Ai Cập, nối Địa Trung Hải với vịnh Suez. Kênh đào Suez được khởi công từ năm 1859 và chính thức hoàn thành vào ngày 17 tháng 11 năm 1869.
Kênh đào Suez dài 193,3km, khúc hẹp nhất là 60m, có thể cho phép tàu lớn nặng 250 nghìn tấn đi qua. Kênh đào này đã trở thành bước tiến quan trọng trong ngành hàng hải, vận tải quốc tế, giúp tàu thuyền rút ngắn quãng đường lên đến 6 nghìn km.
4. Ngày Sinh viên quốc tế kể từ năm 1941
Ngày 17 tháng 11 năm 1941, kỷ niệm Ngày Sinh viên quốc tế chính thức được một tổ chức là Hội đồng sinh viên quốc tế công bố tại London. Ngày lễ này được đặt ra như một sự kỷ niệm cho sự kiện ngày 17 tháng 11 năm 1939, khi Đức Quốc xã xử tử 9 nhà hoạt động và đưa 1.200 sinh viên vào khu cách ly tập trung sau khi đàn áp cuộc biểu tình của sinh viên chống lại sự chiếm đóng của Đức tại Tiệp Khắc.
5. Cấp bằng sáng chế cho chuột máy tính năm 1970
Ngày 17 tháng 11 năm 1970, bằng sáng chế đã được cấp cho con chuột máy tính đầu tiên trên thế giới. Đây là sáng chế của một kỹ sư người Mỹ là ông Douglas Engelbart.
Trước đó, vào năm 1968, sáng chế của Engelbart đã được trình diễn ở một hội thảo khoa học về máy tính, dưới tên gọi là “thiết bị định hướng vị trí X – Y trên màn hình”. Hội nghị này cũng chính là khởi nguồn của cái tên chuột máy tính.
6. Cách mạng Nhung năm 1989
Cách mạng Nhung là cuộc cách mạng bất bạo động của nhân dân Tiệp Khắc nhằm chống lại chính quyền theo chủ nghĩa cộng sản tại quốc gia này. Cuộc cách mạng chính thức nổ ra vào ngày 17 tháng 11 năm 1989, sau khi cuộc biểu tình ôn hòa ngày 16 bị cảnh sát đàn áp.
Nguyên nhân sâu xa của cuộc cách mạng là do người dân bất mãn với chính sách điều hành kinh tế và mong chờ một cuộc cải cách. Chính quyền cộng sản sau đó đã nhanh chóng từ bỏ quyền lực, cuộc biểu tình thành công một cách rất ôn hòa. 2 quốc gia độc lập đã ra đời sau cách mạng này là Cộng hòa Séc và Slovakia.
Kể từ năm 2000, kỷ niệm cả 2 sự kiện biểu tình lớn, 2 quốc gia trên đã đặt tên cho ngày lễ 17 tháng 11 là Ngày Đấu tranh cho tự do và dân chủ.
Ngày này năm xưa 17/11 của Việt Nam:
1. Ngày sinh Nguyễn Tấn Dũng năm 1949
Nguyễn Tấn Dũng sinh ngày 17 tháng 11 năm 1949. Ông là nguyên Thủ tướng Chính phủ của Việt Nam từ năm 2006 – 2016. Từ năm 1997 – 2016, ông cũng là Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Nguyễn Tấn Dũng cũng là thủ tướng đầu tiên của Việt Nam bị khởi kiện với cáo buộc vi hiến, nguyên đơn là Vù Hà Huy Vũ. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã bác đơn kiện này.
2. Ngày Truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam kể từ năm 1950
Ngày 17 tháng 11 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị thành lập Ủy ban bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam. Sau này, ngày 17 tháng 11 được Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn làm Ngày Truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Đến nay Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam có 116 thành viên trong nước, với mạng lưới đối tác lên quốc tế lên đến hơn 1.200.
3. Trung úy William Calley hầu tòa vì tội ác tại Mỹ Lai năm 1970
William Calley sinh năm 1943, là một sĩ quan Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Không có thành tích gì nổi bật trên chiến trường nhưng Calley là tên giặc Mỹ khiến nhân dân Việt Nam căm phẫn nhất, bởi hắn chính là kẻ chỉ đạo cuộc thảm sát tại Mỹ Lai năm 1968.
Vụ việc bị ém nhẹm đi nhưng sau đó lại được phanh phui. Ngày 17 tháng 11 năm 1970, Calley hầu tòa với cáo buộc giết hại dã man 109 người, bao gồm người già và trẻ em. Thực tế, có đến 504 dân làng Mỹ Lai vị đội của Calley giết chết.
Với tội ác đáng ghê tởm, Calley bị tuyên án tủ chung thân. Tuy nhiên, hắn chỉ ngồi tù 3 năm rồi được tổng thống Nixon ân xá.
4. Công bố thương hiệu “Bát Tràng Việt Nam– 1000 năm truyền thống” năm 2004
Ngày 17 tháng 11 năm 2004, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hội gốm sứ Bát Tràng đã công bố thương hiệu “Bát Tràng Việt Nam – 1000 năm truyền thống”, đồng thời khai trương Trung tâm xúc tiến xuất khẩu Bát Tràng.
Theo các nhà sử học, gốm Bát Tràng đã có niên đại sớm nhất vào năm 1010. Viện Bảo tàng quốc gia cũng đang trưng bày một số sản phẩm gốm có niên đại khoảng 700 năm tuổi. Việc xác nhận thương hiệu nghìn năm cho gốm Bát Tràng là vô cùng quan trọng để quảng bá văn hóa truyền thống, đồng thời đem lại giá trị kinh tế cao.
Xem thêm sự kiện ngày này năm xưa 17/11 tại đây.