Ngày này năm xưa 23/11 có 7 sự kiện của Việt Nam và 3 sự kiện của thế giới.
Ngày 23/11 trong lịch sử thế giới:
1. Ngày mất của Henry Laurence Gantt năm 1919
Henry Laurence Gantt là một kỹ sư cơ khí người Mỹ. Ông được biết đến rộng rãi với việc xây dựng và phát triển sơ đồ Gantt, một sơ đồ thể hiện tiến độ dự án, được sử dụng trong nhiều công trình lớn, từ đập Hoover cho tới hệ thống đường quốc lộ của Mỹ. Đến tận ngày nay, sơ đồ Gantt vẫn được ứng dụng trong quản lý dự án.
Henry Laurence Gantt cũng là một trong những người đầu tiên mở ra khái niệm Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ông mất ngày 23 tháng 11 năm 1919, hưởng thọ 49 tuổi.
2. Tập Doctor Who đầu tiên được phát sóng năm 1963
Doctor Who có tên tiếng Việt là Bác Sĩ Bí Ẩn, là một serie phim truyền hình dài tập được phát sóng lần đầu vào ngày 23 tháng 11 năm 1963 bởi đài BBC. Bộ phim kể về hành trình kỳ quái của Bác Sĩ, người cuối cùng còn sống sót thuộc chủng loài Time lord (Chúa tể thời gian).
Bác Sĩ đi xuyên qua không gian và thời gian một cách ngẫu nhiên nhờ vào con tàu TARDIS, một tàu vũ trụ có hình dáng của bốt điện thoại màu xanh. Trùng hợp, mỗi địa điểm và thời gian Bác Sĩ xuất hiện, luôn có một thảm họa sắp sửa xảy đến bởi những giống loài ác độc xuyên vũ trụ khác, buộc Bác Sĩ và bạn đồng hành phải giải quyết.
Cho đến nay, Doctor Who vẫn là một phần quan trọng của văn hóa Anh, và là serie khoa học viễn tưởng dài nhất trong lịch sử.
3. Hàn Quốc và Triều Tiên đụng độ tại đảo Yeonpyeong năm 2010
Trận pháo kích ở đảo Yeonpyeong bắt đầu vào ngày 23 tháng 11 năm 2010. Sự kiện bắt nguồn từ một cuộc tập trận của Hàn Quốc, sau đó Triều Tiên cho nã đạn pháo vào các vị trí của Hàn Quốc trên đảo. Phía Triều Tiên cho rằng Hàn Quốc đã nổ súng trước, còn Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên cố tình kiếm cớ tấn công.
Sự kiện này được xem là “giọt nước tràn ly” của nhiều sự căng thẳng diễn ra trước đó, bao gồm cả việc Hàn Quốc tuyên bố xem xét việc đề nghị Mỹ đặt vũ khí hạt nhân tại nước này.
Ngày này năm xưa 23/11 của Việt Nam:
1. Ngày mất của Tống Duy Tân năm 1892
Tống Duy Tân sinh năm 1837, được biết đến là anh hùng dân tộc lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh.
Tống Duy Tân từng đỗ tiến sĩ dưới triều Nguyễn, được vua Hàm Nghi phong làm Chánh sứ sơn phòng Thanh Hóa. Ông đã tham gia vào việc xây dựng chiến khu Ba Đình.
Năm 1886, Tống Duy Tân thừa lệnh của Đinh Công Tráng xây dựng căn cứ Phi Lai nhằm hỗ trợ căn cứ Ba Đình. Đến năm 1887, căn cứ Ba Đình thất thủ, Tống Duy Tân chạy về Hùng Lĩnh, biến nơi đây thành trung tâm kháng chiến mới. Nghĩa quân yếu ớt chống chọi qua từng đợt càn quét của Pháp, dần trở nên quy củ và lớn mạnh, từ thế bị động đã chủ động nhiều cuộc tập kích có quy mô.
Đến tháng 9 năm 1892, trước sức ép của giặc Pháp, Tống Duy Tân phải giải tán lực lượng, sau đó trốn về hang Niên Kỷ ở xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Đến tháng 10, ông bị một người cháu gọi bằng cậu mật báo cho Pháp và bị bắt. Không chiêu hàng được Tống Duy Tân, Pháp ra lệnh xử tử ông ngày 23 tháng 11 năm 1892.
2. Ngày sinh của Võ Văn Kiệt năm 1922
Võ Văn Kiệt sinh ngày 23 tháng 11 năm 1922, tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, Chín Dũng, là nhà chính trị Việt Nam. Ông làm Thủ tướng Chính phủ thứ tư (trước kia là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 8 tháng 8 năm 1991 đến ngày 25 tháng 9 năm 1997.
Võ Văn Kiệt được đánh giá là nhà lãnh đạo tài ba, có công đẩy mạnh công cuộc Đổi Mới, cải cách chính sách ở Việt Nam. Ông cũng là “tổng công trình sư” của nhiều dự án mang tính đột phá thời kỳ Đổi Mới.
3. Ngày sinh của Phạm Song năm 1931
Phạm Song sinh ngày 23 tháng 11 năm 1931, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam từ năm 1988 đến năm 1992.
Phạm Song tham gia cách mạng từ khi còn trẻ, được cử đi học y và tình nguyện làm y sĩ chiến trường tại Điện Biên. Sau khi đánh đuổi giặc Pháp, Phạm Song tiếp quản Nhà thương Đồn Thủy, nay là Bệnh viện Hữu Nghị Việt – Xô.
Phạm Song từng làm lãnh đạo Bệnh viện Hữu Nghị Việt – Xô, Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ Y tế, sau đó phụ trách vấn đề nước sạch và dân số kế hoạch hóa gia đình. Suốt đời, ông cống hiến hết mình cho y học, để lại nhiều công trình nghiên cứu quý giá.
4. Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940
Nam Kỳ khởi nghĩa là cuộc nổi dậy vũ trang chống Pháp và Nhật của người dân Nam Kỳ bắt đầu vào ngày 23 tháng 11 năm 1940. Cuộc khởi nghĩa do Xứ ủy Nam Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.
Cuộc khởi nghĩa đồng loạt nổ ra từ Biên Hòa cho tới tận Cà Mau. Nhân dân 18 tỉnh cùng đồng loạt nổi dậy giành chính quyền, chiếm lại được nhiều tổng, xã, xét xử nhiều tên giặc Pháp và bè lũ Việt gian. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, thực dân Pháp đàn áp kịch liệt bằng bom đạn để cướp lại chính quyền. Nhiều người Việt bị giết hại dã man, có thôn xóm không còn ai sống sót. Cuộc khởi nghĩa bị dập tắt nhưng đã nêu cao tinh thần bất khuất của nhân dân ta, đóng góp tích cực vào chiến thắng giành độc lập dân tộc.
5. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu xuất hiện năm 1940
Lá cờ đỏ sao vàng chính thức được tung bay vào ngày 23 tháng 11 năm 1940, trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa. Tác giả cờ đỏ sao vàng được cho là là Nguyễn Hữu Tiến, một nhà cách mạng, thành viên của Xứ ủy Nam Kỳ. Tuy nhiên, ông không được chứng kiến cảnh lá cờ này tung bay do đã bị giặc bắt vào cuối tháng 7 năm đó.
Sau Cách mạng Tháng Tám, cờ đỏ sao vàng được chọn làm quốc kỳ của đất nước Việt Nam. Màu vàng thể hiện màu da, màu đỏ là màu máu, năm cánh sao là 5 giai cấp sĩ – công – nông – thương – binh trong xã hội.
6. Thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm 1946
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được thành lập ngày 23 tháng 11 năm 1946, với tên gọi ban đầu là Hồng Thập Tự Việt Nam. Đây là tổ chức xã hội quần chúng, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phong trào Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Điều lệ và nguyên tắc cơ bản tương tự của Phong trào Chữ thập đỏ là Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, Độc lập, Tự nguyện, Thống nhất, Toàn cầu.
7. Ngày mất của Trần Hoàn năm 2003
Trần Hoàn sinh năm 1928, là nhạc sĩ và chính khách người Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng như Sơn nữ ca; Lời người ra đi; Lời Bác dặn trước lúc đi xa; Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh…
Trần Hoàn từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin từ năm 1990 đến năm 1996. Trần Hoàn mất ngày 23 tháng 11 năm 2003 ở Hà Nội.
Xem thêm sự kiện ngày này năm xưa 23/11 tại đây.