Ngày này năm xưa 7/1 có 3 sự kiện của Việt Nam và 7 sự kiện của thế giới.
Thế giới ngày 7/1:
1. Ngày mất của Đường Bá Hổ năm 1524
Đường Bá Hổ, hay Đường Dần là một nhân vật lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc. Nhân vật này xuất hiện nhiều trong văn hóa đại chúng và được giới thiệu rộng rãi trên thế giới qua nhiều bộ phim.
Đường Bá Hổ sinh sống vào thời nhà Minh, xuất thân trong một gia đình thương gia. Từ nhỏ, ông đã rất thông minh, có tài hội họa, thi ca, được mệnh danh là một trong Giang Nam tứ đại tài tử. Tuy nhiên, đường quan lộ của Đường Bá Hổ không được hanh thông, do đó ông tập trung sáng tác nghệ thuật. Đường Bá Hổ mất ngày 7 tháng 1 năm 1524, thọ 54 tuổi.
2. Ngày sinh của Sasaki Sadako năm 1943
Sasaki Sadako sinh ngày 7 tháng 1 năm 1943, là một nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử tại Nhật Bản. Cô bé Sadako phát hiện bị nhiễm ung thư bạch cầu do phóng xạ của bom nguyên tử năm 10 tuổi và mất 2 năm sau đó.
Tuy nhiên, câu chuyện về niềm tin cuộc sống và sự kiên cường chống đỡ bệnh tật của cô đã trở thành biểu tượng của tinh thần chống chiến tranh và vũ khí hạt nhân ở Nhật Bản và trên thế giới. Câu chuyện đó đã được ghi lại qua tác phẩm Sadako Và Nghìn Con Hạc Giấy của nhà văn Eleanor Coerr.
3. Ngày mất Nikola Tesla năm 1943
Nikola Tesla sinh năm 1856, là một nhà phát minh, kỹ sư điện, kỹ sư cơ khí người Mỹ gốc Serbia. Ông được biết đến vì những đóng góp của mình để thiết kế ra hệ thống dòng điện xoay chiều cung cấp điện dòng điện xoay chiều hiện đại.
Tesla từng làm việc cho nhà phát minh nổi tiếng Thomas Edison, tuy nhiên đã nghỉ việc do bất đồng ý kiến. Nhiều giai thoại hài hước về 2 nhà khoa học nổi tiếng này được kể lại và một số người cho rằng, nhiều phát minh của Edison thực chất là của Tesla.
Tesla mất ngày 7 tháng 1 năm 1943 tại New York, Mỹ.
4. Ra mắt hệ thống dịch tự động đầu tiên trên thế giới năm 1954
Dịch tự động là một nhánh quan trọng của ứng dụng về trí tuệ nhân tạo. Ứng dụng này giúp tự động thực hiện dịch một ngôn ngữ này (gọi là ngôn ngữ nguồn) sang một hoặc nhiều ngôn ngữ khác (gọi là ngôn ngữ đích) một cách tự động, không có sự can thiệp của con người trong quá trình dịch.
Từ thế kỷ XVII, dịch tự động đã được nhắc tới thông qua ý tưởng của 2 nhà triết học là Leibniz và Descartes. Tuy nhiên, ứng dụng này chỉ được hoàn thiện nhờ vào công nghệ máy tính và được giới thiệu lần đầu ngày 7 tháng 1 năm 1954 bởi hãng IBM.
5. Thủ đô Phnom Penh của Campuchia được giải phóng năm 1979
Năm 1975, Khmer Đỏ giành được chính quyền tại Campuchia. Chúng thực hiện chính sách ngu dân, diệt chủng, giết chết hàng triệu người bằng những cách man rợ nhất. Không chỉ vậy, Khmer Đỏ còn có tham vọng tấn công, xâm lược Việt Nam.
Hỗ trợ người bạn láng giềng, các chiến sĩ Giải phóng quân Việt Nam, sau khi đánh bại đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy, đã lên đường giải cứu Campuchia. Sau 4 năm chiến đấu, đến ngày 7 tháng 1 năm 1979, Việt Nam thành công giải phóng thủ đô Phnom Penh của Campuchia, trao trả lại chính quyền cho thủ tướng Samdech Hun Sen.
6. Ngày mất Vladimir Prelog năm 1998
Vladimir Prelog sinh năm 1906, là nhà hóa học người Croatia, đạt giải Nobel Hóa học năm 1975, cùng với nhà hóa học người Úc John Cornforth.
Prelog có hơn 400 công trình khoa học, đồng thời là thày giáo của nhiều thế hệ hóa học gia trên thế giới. Ông là một trong số 109 người đoạt giải Nobel đã ký tên vào “lời kêu gọi hòa bình” cho Croatia năm 1991.
Vladimir Prelog qua đời ở Zürich vào ngày 7 tháng 1 năm 1998.
7. Apple phát hành trình duyệt web Safari năm 2003
Safari là trình duyệt web riêng của hãng Apple, lần đầu xuất hiện trên hệ điều hành Mac OS X Panther vào ngày 7 tháng 1 năm 2003. Trình duyệt này hiện được hỗ trợ trên macOS, iOS và iPadOS. Safari từng có phiên bản Windows từ năm 2007 đến năm 2012.
Ngày này năm xưa 7/1 của Việt Nam:
1. Ngày sinh Nguyễn Lân Tuất năm 1935
Nguyễn Lân Tuất sinh ngày 7 tháng 1 năm 1935, là một giáo sư, tiến sĩ khoa học nghiên cứu âm nhạc, sân khấu. Ông là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Nghệ sĩ Công huân Liên bang Nga.
Nguyễn Lân Tuất là con trai trưởng trong số 8 người con của cố nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân. Ông tham gia kháng chiến từ năm 15 tuổi.
Nguyễn Lân Tuất có cuộc đời đầy thăng trầm. Ông từng bị hiểu lầm là Việt gian, từng bị cha đẻ cười nhạo vì đi theo con đường nghệ thuật. Cuối cùng, được vinh danh Nghệ sĩ công huân Nga, Nguyễn Lân Tuất đã đem lại vinh quang cho Việt Nam và được sự công nhận của cha.
Nguyễn Lân Tuất cũng là người đầu tiên có học hàm tiến sĩ khoa học ở ngành sân khấu, khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Nga năm 2009, khi đã 75 tuổi.
2. Ngày mất Tam Lang năm 1986
Tam Lang là bút danh của Vũ Đình Chí, một trong những nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam. Ông cùng với Vũ Trọng Phụng và Vũ Bằng là ba chàng họ Vũ nổi danh làng báo thời tiền chiến.
Nhà báo Tam Lang sinh năm 1900 tại Hà Nội. Ông từng học trường Sư phạm rồi bỏ dở, chuyển sang viết báo viết văn. Thời đó, hầu hết các báo xuất bản tại Hà Nội đếu có sự cộng tác của ông.
Từ năm 1954, Tam Lang chuyển vào Sài Gòn làm báo rồi chuyển sang soạn kịch bản chèo. Ông mất ngày 7 tháng 1 năm 1986.
3. Ngày mất Nguyễn Vĩnh Bảo năm 2021
Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc Đồng Tháp). Ông là nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống, nhạc sĩ trình tấu và nghệ nhân đóng đàn nổi tiếng của Việt Nam.
Xuất thân từ một gia đình nho học yêu thích đờn ca tài tử, từ khi lên 5, Nguyễn Vĩnh Bảo đã biết chơi đờn kìm, đờn cò, 10 tuổi biết chơi rất nhiều các loại nhạc cụ dân tộc. Năm 1972 ông cùng giáo sư Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam bộ cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris (Pháp) năm 1972.
Nguyễn Vĩnh Bảo mất ngày 7 tháng 1 năm 2021 tại quê nhà Đồng Tháp.
Xem thêm sự kiện ngày này năm xưa 7/1 tại đây.