Bạn phải cất ô tô dài ngày vì COVID-19. Ô tô lâu không dùng sẽ phát sinh vấn đề gì và cách xử lý ra sao là những gì sẽ được chia sẻ trong bài này.
- Top 10 sự cố hay gặp khi lái xe và cách xử lý hiệu quả
- Doanh số ô tô tháng 7 và cuộc đua Top 10 xe bán chạy nhất năm 2021
1. Chọn chỗ để ô tô lâu không dùng
Vị trí đỗ xe khi để ô tô khi lâu không sử dụng là điều đầu tiên bạn cần phải cân nhắc nếu muốn bảo quản xe tốt nhất. Nếu bạn có gara để cất giữ xe thì thì sẽ bớt được rất nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến nhiệt độ, độ ẩm của không gian sẽ không bị kẻ gian chú ý.
Còn nếu phải để xe ngoài trời thì bạn cần chú ý về vị trí dừng đỗ xe. Bạn nên chọn những chỗ có bóng dâm và bạn cũng nên trang bị thêm bạt che, tấm chắn nắng để bảo vệ xe khỏi nắng nóng, mưa, hay bụi.
Bạn cũng nên sử dụng bạt phủ xe ngay cả khi để xe trong gara.
2. Đổ đầy bình xăng trước khi cất giữ xe
Mẹo của các chuyên gia dành cho bạn đó chính là bạn nên đổ đầy bình xăng trước khi cất giữ xe ô tô. Việc này giúp bình xăng tránh bị không khí ẩm xâm nhập, lâu ngày sẽ ngưng tụ thành hơi nước, khiến xe có thể bị nghẹt xăng khi khởi động.
Bên cạnh đó bạn cũng cần vặn chặt nắp bình xăng để tránh trường hợp xăng bay hơi, rất nguy hiểm vì có nguy cơ gây cháy nổ cao. Bạn cũng thể cho thêm vào bình xăng những chất làm ổn định nhiệt độ xăng, tránh trường xăng bị dãn nở do điều kiện môi trường thời tiết oi nóng. Trước khi bỏ thêm những chất này vào bình xăng bạn cũng cần hỏi ý kiến các chuyên gia để tránh những trường hợp rủi ro có thể xảy ra.

3. Đảm bảo áp suất lốp tiêu chuẩn
Áp suất lốp có thể tự giảm sau một khoảng thời gian nhất định, ngay cả khi xe không được sử dụng. Lốp xe thiếu áp suất khi ô tô lâu ngày không dùng có thể gây biến dạng lốp. Hãy đảm bảo đã bơm cả lốp chính và lốp dự phòng đến mức áp suất tối đa theo tiêu chuẩn trước khi tạm dừng sử dụng.
4. Nhả phanh tay
Khi kéo phanh tay, nó có thể bị kẹt khi ô tô lâu không dùng. Ngoài ra việc để phanh tay dài ngày có thể khiến cho bề mặt đĩa phanh bị lõm vào và làm cho phanh xe sẽ không hoạt động được ổn định khi bạn sử dụng lại xe ô tô.
Vì vậy, chỉ cần gạt cần số về chế độ P đối với xe tự động hoặc về cấp số thứ nhất đối với xe số sàn. Nhưng nếu buộc phải đỗ xe trên địa hình dốc thì có lẽ vẫn nên sử dụng thêm phanh tay. Bạn cũng có thể dùng các vật khác để cản 4 bánh xe ô tô như: viên gạch, cũ đá, khúc gỗ, phụ kiện chuyên dùng.
5. Thay dầu nhớt
Hãy bỏ qua bước này nếu bạn chỉ để xe “nghỉ ngơi” trong một hay hai tuần. Nhưng nếu thời gian không sử dụng ô tô kéo dài từ một tháng trở lên, việc thay mới dầu máy (dầu động cơ) sẽ là rất cần thiết. Lý do là vì một số hợp chất có hại trong dầu động cơ đã qua sử dụng có thể sẽ làm hỏng động cơ nếu bạn không khởi động máy trong một thời gian dài. Đó là lý do vì sao chúng ta lâu lâu vẫn nên cho xe nổ máy khoảng 30 phút và không nên tiếc tiền thay dầu mới.
6. Tháo hoặc nhấc cao cần gạt nước
Cần gạt nước mưa có cấu tạo được thiết kế bọc một lớp cao su bên ngoài để gạt nước trên kính lái xe ô tô. Khi có ý định cất giữ xe ô tô thì bạn nên tháo cần gạt nước ra để tránh trường hợp lớp cao su của cần gạt nước bị biến chất và dính chặt lên kính lái khi để ô tô lâu không dùng.
Bạn có thể tháo cần gạt nước ra, nhấc cao hoặc bọc chúng lại bằng màng bọc sao cho lớp cao su của cần gạt không còn tiếp xúc với mặt kính xe ô tô nữa là được. Khi sử dụng lại xe, bạn chỉ cần lắp lại hoặc tháo màng bọc ra là được.
Bạn cũng nên sử dụng xịt bôi trơn silicone cho các chi tiết bằng cao su khác như gioăng cao su trên các cánh cửa và cửa sổ xe. Việc này sẽ hạn chế hiện tượng cao su nứt vỡ hoặc bị tan chảy, dính vào thân xe trong thời tiết nóng.
7. Chống chuột và côn trùng xâm nhập
Do bạn sẽ không sử dụng chiếc xe trong một thời gian dài nên ô tô của bạn sẽ rất dễ bị chuột, côn trùng tấn công cho dù bạn cất giữ xe trong gara hay ngoài trời. Bạn cần có những biện pháp phòng tránh thích hợp để có thể bảo vệ chiếc an toàn trong thời gian không sử dụng như:
- Đóng kín cửa xe và kéo kín kính xe chỉ để lại khoảng 3mm để lưu thông khí trong xe, không nên để khe hở quá lớn sẽ khiến chuột, bọ, dán. côn trùng có thể xâm nhập vào trong xe.
- Bỏ băng phiến vào trong xe, nắp capo, cabin, cốp xe, dưới gần xe…
- Dùng bông hoặc vải cotton để bịt các lỗ hổng và khe hở của ống xả, cửa thông gió…
- Vệ sinh và kiểm tra xe định kỳ.
- Và một vài biện pháp phòng chống khác.
8. Vệ sinh xe thường xuyên
Bạn nên vệ sinh xe thường xuyên định kỳ, tránh để xe đến lúc dùng lại rồi mới vệ sinh. Việc không vệ sinh xe trong khi để ô tô lâu không dùng sẽ khiến xe xuất hiện những vết ố bẩn khó làm sạch, xước sơn, bong tróc sơn, nấm mốc, chuột bọ và côn trùng… Điều này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bề mặt da, nhựa của nội thất xe và lớp sơn bảo vệ bên ngoài.
Bạn cũng có thể đặt các thiết bị hoặc dụng cụ hút ẩm trong xe để giữ cho xe không bị ẩm mốc trong điều kiện thời tiết nóng ẩm.
Bạn nên vệ sinh xe định kỳ 1 tuần 1 lần và kiểm tra xem trong thời gian cất giữ, xe có gặp vấn đề gì hay không để có thể khắc phục kịp thời.
9. Kiểm tra ắc-quy
Nếu để ô tô lâu không dùng thì bộ ắc-quy sẽ bị cạn vì không có khả năng sạc lại. Vậy nên mỗi khi vệ sinh xe định kỳ thì bạn có thể tranh thủ nổ máy, khởi động xe để các động cơ và thiết bị của xe hoạt động trong vòng từ 20 – 30 phút.
Nếu bạn khởi động và cho động cơ xe hoạt động thì sẽ có những lợi ích sau:
- Giúp bảo quản ắc quy tốt hơn, giúp bộ ắc-quy luôn còn cho lần sử dụng tiếp theo.
- Giúp động cơ xe được bôi trơn dầu nhớt. tránh trường hợp cạn, khô dầu nhớt.
- Giúp bảo vệ và duy trì tuổi thọ cho các thiết bị điện trên xe.