Top 10 chiến dịch truyền thông nổi bật của Spotify

Là một trong những nền tảng nghe nhạc trực tuyến hàng đầu, Spotify luôn làm mới mình với những kế hoạch marketing và chiến dịch truyền thông gắn với khách hàng. Cùng điểm qua 10 chiến dịch nổi bật của Spotify trong thời gian qua:

MỤC LỤC XEM NHANH

1. Frequency

“Frequency” là chiến dịch truyền thông hướng tới chống phân biệt chủng tộc. Spotify muốn tôn vinh giá trị mà người da màu tạo ra trong mọi lĩnh vực đời sống. Trong hoàn cảnh nhiều đóng góp của người da màu về thời trang, kinh doanh, âm nhạc, giải trí… vẫn không được đánh giá công tâm và vinh danh chính xác, “Frequency” ra đời với hy vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ những nghệ sĩ da màu bằng việc sản xuất nội dung liên quan, mở rộng quan hệ đối tác với tổ chức liên quan và chương trình đại sứ. Dự án được thực hiện cả trong và ngoài nền tảng Spotify.

Khác với hầu hết chiến dịch bên dưới, “Frequency” không có giới hạn về thời gian. Spotify vẫn liên tục phát triển những hoạt động hơn từ chiến dịch này. Bên cạnh những playlist đề cao thành quả nghệ thuật của người da màu, Spotify còn có những trợ giúp thiết thực như tài trợ $50.000 cho những sinh viên da màu có định hướng theo lĩnh vực âm nhạc hoặc công nghệ; ủng hộ $25.000 cho tổ chức cộng đồng; tổ chức Trại sáng tác cho nghệ sĩ, nhà sản xuất; xây dựng studio tạm thời, tạo điều kiện cho những nghệ sĩ tiềm năng.

2. Unlike Any Other

Spotify là một công ty rất quan tâm đến những vấn đề xã hội. Một chiến dịch tiêu biểu của họ liên quan đến con người là “Unlike Any Other”. “Unlike Any Other” ra đời để chúc mừng Pride Month (Tháng tự hào) của LGBTQIA+ và kết nối những nghệ sĩ thuộc cộng đồng này với khán giả toàn cầu. Đúng như tên gọi, chiến dịch trân trọng, lan tỏa vẻ đẹp độc đáo đến thế giới qua âm nhạc.

Một điểm nổi bật của chiến dịch này là Progress Flag. Lá cờ này có thêm 5 màu so với lá cờ 7 màu truyền thống của LGBTQIA+, đại diện cho người chuyển giới, người phi nhị giới và những nạn nhân của HIV, AIDS. Bên cạnh danh sách nhạc chính thức “Unlike Any Other”, những sự kết hợp khác của Spotify cũng gây ấn tượng mạnh: House of… Ballroom Playlists hợp tác với biên đạo múa của Pose, chuỗi podcast LGBTQIA+ Voices. Để lan tỏa rộng rãi hơn, My LGBTQ+ Soundtrack được thiết kế cho mọi người chia sẻ về trải nghiệm của họ trong cộng đồng và đăng tải lên trang cá nhân.

3. EQUAL

Với niềm tin âm nhạc có sức mạnh thay đổi thế giới, Spotify luôn mong muốn truyền động lực cho nghệ sĩ nữ bằng cách tạo một nền tảng chia sẻ nội dung toàn cầu. Thông điệp bình đẳng giới được nhấn mạnh qua chiến dịch EQUAL ra mắt dịp Quốc tế phụ nữ 2021. EQUAL 2021 hướng tới tìm chỗ đứng cho những nhà sáng tạo nữ giới vẫn thường bị đánh giá thấp vì giới tính.

Chiến dịch này được triển khai trong và ngoài ứng dụng Spotify. Trên Spotify, công ty triển khai EQUAL Hub – sử dụng hình ảnh phụ nữ làm bìa cho hơn 200 playlist nhiều người nghe nhất. Hình ảnh của những nghệ sĩ nữ với lượt nghe trực tuyến lớn nhất được làm nổi bật. Ngoài ra, họ cũng kết hợp với nhiều tổ chức phi lợi nhuận liên qua đến âm nhạc và bình đẳng giới.

EQUAL - Top 10 chiến dịch truyền thông nổi bật của Spotify
Một số nữ nghệ sĩ Việt Nam vinh dự xuất hiện tại Quảng trường Thời Đại.

4. Listen Like You Used To

“Listen Like You Used To” nghĩa là “Hãy Nghe Như Bạn Đã Từng”. Đúng với tên gọi, chiến dịch này kêu gọi người dùng nghe lại những bản nhạc trong quá khứ. Cụ thể, Spotify nhắm tới đối tượng khách hàng lớn lên trong thập niên 80 và 90. “Listen Like You Used To” nhắn nhủ với GenX rằng dù cuộc sống ngày nay có khác ra sao thì những bài hát yêu thích thời niên thiếu của họ vẫn không thay đổi (và khán giả có thể nghe chúng tại Spotify).

Chiến dịch này được thực hiện bởi công ty quảng cáo Who Wot Why tại Anh và Ireland. Họ gửi gắm thông điệp qua banner, poster cỡ lớn đúng với phong cách Spotify. Thông điệp được truyền đi nhẹ nhàng, vui vẻ bằng cách chơi chữ; tên bản nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng ngày xưa được sử dụng để khéo léo nhắc tới cuộc sống thực tế của GenX.

Listen Like You Used To - Top 10 chiến dịch truyền thông nổi bật của Spotify
1988: Bạn tiệc tùng suốt 24h.
2019: Bạn tiệc tùng trong 2-4h.

5. Music For Every Mood

Không chỉ riêng GenX, GenZ cũng được Spotify dành sự quan tâm đặc biệt. “Music For Every Mood” khẳng định âm nhạc của Spotify có thể đồng cảm với cảm xúc của người nghe. Chiến dịch được triển khai tại cả thị trường “sân nhà” và những thị trường đang phát triển. Tại Anh, Mỹ, Úc, Spotify muốn tạo sự kết nối chặt chẽ hơn với người nghe; trong khi ở Brazil hay Thái Lan, công ty tìm cách định vị thương hiệu là nền tảng tốt nhất để khám phá và sáng tạo âm nhạc.

Chiến dịch truyền thông này lấy cảm hứng từ “văn hóa meme” – một phần không thể thiếu khi lướt mạng xã hội của bất kỳ GenZ nào. Nội dung chính của các meme là sự khác biệt giữa cái thể hiện và cảm xúc thật bên trong. Từ đó, Spotify ngầm khẳng định không gì phản ánh tâm trạng của chúng ta đúng bằng âm nhạc

Tôi muốn trở thành một người tỉnh táo vào buổi sáng.
Cũng là tôi: Nhảy nhót suốt đêm.
Bạn: Tôi muốn phát tín hiệu cho anh ấy mà không được ẩn ý quá.
Spotify: Tuyển tập Nhạc đám cưới.

6. Thanks, 2016. It’s been weird.

“Thanks, 2016. It’s been weird.” là sự kiện mở màn chuỗi Wrapped Up diễn ra thường niên của Spotify. Chiến dịch cho phép người dùng nhìn lại dữ liệu hoạt động (gồm thời gian nghe, thể loại nhạc yêu thích, bài hát/album/nghệ sĩ nghe nhiều nhất…) của họ trên Spotify trong năm qua và chia sẻ kết quả lên các nền tảng mạng xã hội.

Chiến dịch có tính kết nối với người dùng, kêu gọi chia sẻ cá nhân và mang tính bản địa cao đã giúp Spotify gặt hái nhiều thành công. Theo YouGov, điểm nhận diện của thương hiệu tăng 5 điểm, điểm liên quan đến việc bàn tán, truyền miệng giữa khách hàng cũng tăng 16 điểm. Ngược lại, “Thanks, 2016. It’s been weird.” cũng nhận lại nhiều phản hồi tiêu cực. Nhiều khách hàng cho rằng đây là sự xâm phạm quyền riêng tư; tờ Guardian sau này cho rằng kết quả của ứng dụng là không chính xác và nông cạn.

Thanks, 2016. It’s been weird. - Top 10 chiến dịch truyền thông nổi bật của Spotify
Gửi tới 21.043 người nghe bài “Nhảy một mình” vào ngày Fabric (Quán bar nổi tiếng tại Anh) đóng cửa,
Bạn không một mình đâu.

7. 2018 Goals

“2018 Goals” là chiến dịch tổng kết năm 2017 của Spotify. Dự án có quy mô lớn, triển khai tại 18 quốc gia với hơn 70 nghệ sĩ cùng tham gia. Hai nền tảng chính của “2018 Goals” là quảng cáo ngoài trời và quảng cáo online. Đặc biệt, toàn bộ chiến dịch đều do đội ngũ công ty thực hiện thay vì thuê agency ngoài.

Tương tự như các năm trước, “2018 Goals” tiếp tục sử dụng nền tảng dữ liệu khổng lồ của Spotify. Công ty thiết kế những banner, poster sử dụng ẩn danh dữ liệu người dùng. Từ đó hình thành những câu đùa vui giúp thể hiện tính cách trẻ trung của thương hiệu và đem lại cảm giác gần gũi hơn. Spotify cũng tranh thủ đưa ra deal hot $99 cho 3 tháng sử dụng dành riêng cho khách hàng mới.

Nghe ca khúc “Đèn xanh” mỗi khi bạn dừng đèn đỏ nhé.

8. Only You

Lại một chiến dịch truyền thông khác của Spotify đánh vào trải nghiệm cá nhân của khách hàng. Thay vì phải đợi đến cuối năm, “Only You” ra mắt trong tháng 6/2021, dẫn khách hàng qua 6 bước để tạo nên một danh sách phát nhạc mang đậm tính cá nhân của riêng mình. Những yếu tố tâm linh như Cung hoàng đạo hay thói quen dậy sớm/thức khuya đều được đề cập để từ đó đưa ra một playlist chuẩn nhất. Chiến dịch cũng chỉ ra điểm nổi bật trong thói quen nghe nhạc của fan hâm mộ một nghệ sĩ nào đó.

Từ “Only You”, Spotify đang tiếp tục lên kế hoạch tạo ra một trải nghiệm khác mang tên “Blend”. Ý tưởng này cho phép kết hợp gu âm nhạc của 2 người thành một playlist chung. Hiện “Blend” mới có bản dùng thử để ghi nhận đánh giá của khách hàng.

Only You - Top 10 chiến dịch truyền thông nổi bật của Spotify
Bước 1: Chọn cung hoàng đạo của bạn.
Bước 2: Tưởng tượng mình được đi ăn với ba nghệ sĩ bất kỳ.

9. #SpotifyPurpleU

BTS là nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng toàn cầu. Họ có fan hâm mộ khắp mọi nơi và chính fan đã giúp nhóm phá thiết lập hàng loạt kỷ lục về lượt nghe trực tuyến trên Spotify. Hiểu được vị thế của BTS, công ty cho ra mắt #SpotifyPurpleU đón chào màn trở lại ngày 10/6.

Một trang web với màu tím chủ đạo được Spotify thiết kế riêng cho dịp này. Website cho phép hỗ trợ 10 ngôn ngữ khác nhau để phổ cập tới nhiều khán giả nhất. #SpotifyPurpleU có những nội dung độc quyền như lời nhắn nhủ của từng thành viên đến fan và một đường link dẫn đến playlist This is BTS – điểm lại những bài hát nổi bật nhất của nhóm. Đặc biệt, fan có thể tạo #MyBTSProof mang tính cá nhân và chia sẻ lên mạng xã hội.

#SpotifyPurpleU BTS - Top 10 chiến dịch truyền thông nổi bật của Spotify
#SpotifyPurpleU BTS - Top 10 chiến dịch truyền thông nổi bật của Spotify

10. Pet Playlists

“Pet Playlists” là một chiến dịch truyền thông dành cho thú cưng. Ý tưởng này đã được giới thiệu đến khán giả từ 2020. Từ đó, lượt tìm kiếm chứa từ “chó”, “mèo”… trên Spotify đều tăng mạnh. Playlist có tên “Đây là nhạc thư giãn cho chó” nhận lượt nghe tăng 330% tại Mỹ; những danh sách nhạc kì lạ hơn như “Kỳ nhông”, “Bò sát” cũng xuất hiện.

Hiểu được sự quan tâm đặc biệt này, Spotify đã cho ra mắt chức năng mới liên quan đến vật nuôi trong Ngày Thú cưng Mỹ vừa qua (11/4). Chỉ với một số thông tin cơ bản về loài và tính cách, Spotify sẽ tạo một playlist dành riêng cho thú cưng của bạn. Người dùng và thú cưng có thể tạo nên nhiều kỷ niệm đẹp trên nền nhạc này.

Pet Playlists - Top 10 chiến dịch truyền thông nổi bật của Spotify
Có ngay Playlist cho thú cưng chỉ với vài bước đơn giản.