Top 10 quốc gia sạch và có lối sống bền vững nhất thế giới 2021

Môi trường luôn là một đề tài nóng trong xã hội. Theo tờ US News, dưới đây là 10 quốc gia sống sạch nhất thế giới. Các nước này được đánh giá cao về chính sách bảo vệ môi trường và ý thức của người dân.

MỤC LỤC XEM NHANH

1. Thụy Điển

Vị trí đầu tiên thuộc về Thụy Điển. Theo báo cáo, lượng CO2 thải ra không khí ở đất nước này giảm 35% trong 30 năm qua. Thụy Điển là quốc gia đầu tiên thu thuế xả thải khí CO2 và hiện là nước tính thuế cao nhất. Kết hợp với quá trình chuyển từ xe cộ chạy xăng dầu sang các phương tiện điện và nhiêu liệu sinh học, Thụy Điển đặt mục tiêu sẽ giảm được 70% lượng khí CO2 từ giao thông trong 20 năm (2010-2030)

Mức độ ô nhiễm không khí của Thụy Điển rất thấp, đạt EPI (chỉ số hiệu quả môi trường) 81,5 – đứng top 3 thế giới. Ngoài ra, hầu hết điện ở đất nước này được sản xuất từ năng lượng hạt nhân, nước và gió.

Thủ đô Stockholm – Thụy Điển.

2. Thụy Sĩ

Thụy Sĩ là nước có mật độ CO2 thấp nhất trong các nước IEA. Phương tiện giao thông công cộng của đất nước này khá đa dạng và thân thiện. Phần lớn tàu chạy bằng thủy điện; kế hoạch 100% xe buýt không khói trước năm 2024; hệ thống trạm cho thuê xe đạp, ô tô tiện lợi làm giảm tỉ lệ sở hữu ô tô riêng.

Phần lớn điện trong hạng mục không carbon được sản xuất bằng năng lượng hạt nhân và thủy điện. Tuy nhiên, sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2017, Thụy Sĩ bắt đầu cuộc chuyển đổi từ năng lượng hạt nhân sang những nguồn tái tạo tốt hơn. Cùng với việc Thụy Sĩ và Liên minh Châu Âu chưa đạt được thỏa thuận chung, sản xuất và tiêu dùng điện sẽ trở nên khó khăn với đất nước này trong thời gian tới.

Top 10 quốc gia sạch và có lối sống bền vững nhất thế giới
Hệ thống tàu điện ngầm hiện đại của Thụy Sĩ.

3. Na Uy

Năm 2020, Na Uy có chỉ số chất lượng không khí AQI chỉ là 24, thuộc top 6 nước có không khí trong lành nhất thế giới. Ở đất nước này, sử dụng chất đốt để làm ấm trong các toà nhà bị cấm. Chính phủ thúc đẩy việc sử dụng ô tô điện, với 70% xe bán ra trong tháng 8/2021 chạy hoàn toàn bằng điện. Quốc gia này đặt mục tiêu đến 2030 sẽ giảm 40% lượng khí thải nhà kính so với năm 1990 và được công nhận là nền kinh tế carbon thấp vào năm 2050.

Không chỉ trong lãnh thổ mình, Na Uy còn quan tâm vấn đề môi trường trên toàn thế giới. Nước này quyên góp mạnh tay cho quỹ Green Climate Fund, chống lại nạn phá rừng ở các quốc gia đang phát triển qua tổ chức NICFI, tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ thu giữ carbon. Những chính sách này được sự ủng hộ lớn của dư luận, đặc biệt là giới trẻ và dân cư thành phố – những người đang ngày càng quan tâm đến môi trường.

Xe ô tô chạy bằng điện ở Na Uy.

4. Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia Châu Á duy nhất trong danh sách 10 quốc gia sạch nhất thế giới. Theo IQAir 2020, Nhật chiếm 14/15 thành phố có không khí sạch nhất khu vực. Quốc gia này quyết tâm đạt được trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050. Về tài nguyên nước, chính phủ Nhật vừa đồng ý với đề xuất đầu tư 5 tỷ yên cho hệ thống xử lý và tái sử dụng nước thải.

Dù vậy, thảm họa hạt nhân Fukushima đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và sản xuất năng lượng ở Nhật. Tổng năng lượng sản xuất được giảm hơn nửa; tỉ trọng điện hạt nhân giảm 15 lần và đang phục hồi chậm; 88% năng lượng sơ cấp là nguyên liệu hóa thạch và tỉ lệ khí nhà kính tăng mạnh.

Top 10 quốc gia sạch và có lối sống bền vững nhất thế giới
Nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản trở lại hoạt động.

5. Phần Lan

Theo số liệu của Đại học Yale, Phần Lan là quốc gia sạch nhất thế giới năm 2016 với EPI 90,68. Không khí, rừng và nguồn nước của quốc gia này đều sạch hơn nhiều so với trung bình thế giới. 70% diện tích lãnh thổ Phần Lan là rừng (nhiều nhất Châu Âu); 80% các hồ và hơn nửa số sông đạt tiêu chuẩn sạch đến rất sạch.

So với năm 1990, Phần Lan hiện tại đã sản xuất năng lượng hiệu quả hơn. Năm 2020, quốc gia này sản xuất được gấp rưỡi năng lượng và giảm 30% tỉ lệ khí thải carbon. Đặc biệt, 2021 chứng kiến hai thành phố của Phần Lan là Lappeenranta và Lahti được nhận giải Thành phố xanh của Châu Âu.

Hình ảnh thành phố Lahti – Phần Lan.

6. Đan Mạch

Đan Mạch có EPI đạt 82,5 – cao nhất thế giới năm 2020. Trong các yếu tố xét EPI, quốc gia này đứng nhất ở vấn đề biến đổi khí hậu, với điểm 100 cho hạng mục khí CO2 (giảm hơn 7,59%/năm). Mật độ CO2 trong không khí ở Đan Mạch đã giảm một nửa sau khi đạt đỉnh năm 1996. Năm 2019, 47% sản lượng điện ở đất nước này đến từ năng lượng gió, mục tiêu gấp 3 năng suất trước năm 2030.

Thủ đô Copenhagen là một thành phố đi đầu trong sống xanh. Văn hóa đạp xe phát triển tới mức với số xe đạp nhiều hơn 5 lần số ô tô. Không gian xanh chiếm khoảng 1/4 diện tích thành phố, nổi bật với cấu trúc xây dựng mái nhà xanh. Phủ xanh tường gạch giúp giữ 80% lượng nước mưa và bảo vệ các tòa nhà khỏi tác động từ nhiệt, tia cực tím.

Top 10 quốc gia sạch và có lối sống bền vững nhất thế giới
Thiết kế phủ xanh các mái nhà tại Đan Mạch.

7. New Zealand

Đứng thứ 7 trong top 10 quốc gia sống sạch nhất thế giới là New Zealand. Ở quốc gia này, các năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng lớn, gần 1/4 tổng năng lượng sản xuất hàng năm. Ngoài ra, đất nước này cũng đang hướng tới loại bỏ hoàn toàn các àn khoan trên biển.

Hậu COVID-19, New Zealand quan tâm đến xây dựng lối sống bền vững hơn cho người dân. Chính phủ nước này đã đầu tư xây dựng làn đường riêng cho xe đạp trên phạm vi toàn quốc. Tuyến đường này phục vụ cho hoạt động thể thao và đi lại của học sinh, nhân viên công sở.

cánh đồng gió ở New Zealand
Hình ảnh cánh đồng gió ở New Zealand.

8. Đức

Nổi bật ở Đức là dự án Energiewende bắt đầu năm 2010, hướng tới chuyển giao nguồn năng lượng. Mục tiêu của Energiewende rất rõ ràng: sản xuất điện bằng nguồn năng lượng tái tạo (gió, quang điện và thủy điện); loại bỏ các nhà máy điện hạt nhân (2022) và nhiên liệu hóa thạch (2038); giảm 80-95% khí nhà kính (1990 – 2050).

Không chỉ chính phủ, người dân Đức cũng rất ý thức trong bảo vệ môi trường. Theo Statista, có tới 8,16 triệu người hoàn toàn ủng hộ trả giá cao hơn cho một sản phẩm thân thiện với môi trường. 38% người Đức cho rằng nhà nước nên quan tâm hơn nữa đến môi trường, so với Anh (31%) hay Mỹ (22%).

9. Canada

Canada nổi tiếng với sự đa dạng trong các nguồn năng lượng tái tạo. Phố biến nhất là thủy điện chiếm hơn 50%. Năng lượng gió đóng góp không nhỏ với 300 cánh đồng gió, cung cấp điện cho 3 triệu gia đình. Đặc biệt, Canada là một trong số ít quốc gia khai thác thủy triều để sản xuất điện.

Sau đại dịch COVID, người dân nước này thể hiện sự quan tâm hơn đến vấn đề môi trường, đặc biệt là thế hệ trẻ. Theo SOSI, 84% người dân cho rằng cần thực hiện ngay những biện pháp tốt hơn giảm biến đổi khí hậu. Ngoài ra, ngay cả ngành thời trang đất nước này cũng phát triển theo mục tiêu thân thiện hơn với môi trường.

Khai thác thủy triều Nova Scotia - Canada.
Khai thác thủy triều để sản xuất điện tại Nova Scotia – Canada.

10. Hà Lan

Hà Lan là nước cuối cùng trong bảng xếp hạng 10 quốc gia sống sạch nhất thế giới. Điểm nổi bật trong lối sống bền vững là nỗ lực hình thành nền giao thông không khói. Có làn đường riêng dài hơn 35km, xe đạp là phương tiện chiếm 1/4 lượt di chuyển của người dân. Một sự thật là Hà Lan có 23 triệu chiếc xe đạp, dù dân số chỉ hơn 17 triệu người.

Thủ đô Amsterdam cũng là một trong những thành phố thân thiện với môi trường nhất. 58% dân cư đi làm bằng xe đạp hoặc đi bộ; hơn 800 nhà hàng phục vụ món chay. Mục tiêu năm 2030, thành phố sẽ cung cấp điện từ nguồn tái tạo cho hơn 80% gia đình và trước năm 2040 sẽ dừng sử dụng khí tự nhiên.

Top 10 quốc gia sạch và có lối sống bền vững nhất thế giới
Văn hóa đạp xe tại thủ đô Amsterdam.

Nguồn tham khảo số liệu: IEA, EPI.