Việc mua bán online trở nên quen thuộc những năm gần đây, đặc biệt do tác động của dịch COVID-19. Dưới đây là 10 trang thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam trong Q3/2021 (theo iprice.vn).
- Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2020
- Top 10 website được xem nhiều nhất Việt Nam 2021
- Top 10 ứng dụng mua sắm nổi bật nhất tại Việt Nam tháng 1/2021
1. Shopee VN
Ra mắt ngày 8/8/2016, Shopee là sàn giao dịch thương mại điện tử số 1 Việt Nam. Shopee thuộc sở hữu của Sea Ltd, có trụ sở chính đặt tại Singapore. Nền tảng này ban đầu hoạt động theo mô hình C2C – là trung gian giữa các cá nhân mua bán. Hiện tại, Shopee đã đưa thêm những thương hiệu lớn lên sàn, hướng đến khách hàng đòi hỏi sự uy tín đi cùng với giá cả phải chăng.
Những chiến thuật marketing của Shopee ở Việt Nam tỏ ra vô cùng hiệu quả: khuyến mãi hàng tháng, khởi xướng trào lưu “săn sale” ở giới trẻ; trò chơi lắc xu, tích điểm để người dùng truy cập thường xuyên; hoan nghênh người bán, KOL gắn link sản phẩm trên trang cá nhân để nhận hoa hồng… Nhờ vậy, nền tảng này có độ phủ sóng lớn chỉ sau 5 năm hoạt động tại Việt Nam.
Tuy vậy, Shopee lại nằm trong danh sách đen của cả Ủy ban châu Âu (EC) và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). Nền tảng này bị cho là bán lượng lớn hàng giả thuộc nhiều lĩnh vực và không có quy trình hay công cụ ngăn chặn, xử phạt hành vi trái pháp luật này.
2. Thế Giới Di Động
Thế Giới Di Động thành lập năm 2004, là chuỗi bán lẻ thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG). Đây là nhà bán lẻ số 1 Việt Nam về cả doanh thu và lợi nhuận. Theo báo cáo của MWG trong 10 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của công ty đạt 99 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 79% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 3.906 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để bắt kịp với xu hướng mới, TGDĐ đã phát triển mô hình kinh doanh online theo hai hình thức: livestream fanpage và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử hàng đầu… Không chỉ tiện lợi hơn, mô hình này còn cho khách hàng tận mắt xem nhân viên cửa hàng trải nghiệm thiết bị cùng với nhiều ưu đãi về giá cả, bảo hành.
3. Điện máy XANH
Điện máy Xanh là một người anh em cùng công ty MWG với Thế Giới Di Động. Siêu thị điện máy này được đánh giá là có những bước “phát triển thần tốc”. Khai trương đầu năm 2015 với 20 cửa hàng, Điện máy Xanh chỉ cần hơn 4 năm để cán mốc 1000 chi nhánh, phủ sóng 63 tỉnh thành. Website siêu thị thu hút 27 triệu lượt xem hàng tháng và gần 2 triệu lượt theo dõi Facebook.
Sự thành công của Điện máy Xanh không thể không kể đến kế hoạch Marketing. Ấn tượng nhất phải kể đến TVC “Bạn muốn mua ti vi, đến Điện máy Xanh”. Cú hích này đã tạo tiếng vang đầu tiên và định hình phong cách cho thương hiệu: thông điệp rõ ràng, tông màu nổi bật, giai điệu gây “ám ảnh”. Sự thống nhất hình ảnh online và offline đã để lại cho khách hàng ấn tượng khó quên.
4. Lazada VN
Đối thủ trực tiếp của Shopee trên sàn thương mại điện tử chính là Lazada. Lazada thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Alibaba, có trụ sở ở nhiều nước Đông Nam Á khác nhau. Trang web là trung gian cho phép người bán trưng bày hàng và hỗ trợ vận chuyển, thanh toán cho người dùng.
Điểm sáng của Lazada chính là kênh Facebook có 31 triệu người theo dõi. Đây là nơi cập nhật liên tục những đơn hàng hot nhất và livestream bán sản phẩm. Để cạnh tranh với các sàn khác, mới đây Lazada đã chịu chơi mời Hyun Bin – nam diễn viên nổi tiếng hàng đầu Hàn Quốc – làm gương mặt đại diện.
>> Truy cập Lazada từ đây để không bỏ lỡ các chương trình khuyến mại hấp dẫn của trang này
5. Tiki
Cạnh tranh với Shopee và Lazada còn có Tiki. Năm 2010, Tiki khởi điểm là một trang web bán sách trực tuyến với vốn ban đầu 5.000 USD. Trong 10 năm phát triển, Tiki mở rộng thêm nhiều ngành hàng, kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước (VNG, JD.com…) và đã dần tạo dựng được niềm tin khách hàng. 85% khách hài lòng với chất lượng và dịch vụ của Tiki, tỷ lệ đổi trả hàng chỉ là 0,95%.
Đặc biệt, Tiki có cách truyền thông vô cùng mới mẻ. Chiến dịch “Tiki đi cùng Sao Việt” khác hẳn những TVC quảng cáo phiền toái khác. Ở chiến dịch này, Tiki tài trợ cho các MV ca nhạc để đổi lại khoảng 15 giây xuất hiện. Từ đó, Tiki không chỉ được “lây” thiện cảm của khán giả với âm nhạc mà còn có thể khéo léo lồng ghép vào hoạt cảnh MV một vài thông điệp chủ chốt của thương hiệu như “shipper giao nhanh”, “hàng chính hãng”, “ở đâu cũng giao”.
>> Truy cập Tiki từ đây để có thể tận hưởng các chương trình Big Sale của trang này
6. Bách Hóa XANH
Bách Hóa Xanh là một cái tên nữa thuộc công ty MWG. Đây là chuỗi cửa hàng chuyên bán lẻ thực phẩm tươi sống, nhu yếu phẩm chất lượng. Trong 6 năm hình thành và phát triển, Bách hóa Xanh đã có 2.000 siêu thị và gần đây mở bán online thêm 10 khu vực ở phía Nam để phù hợp với tình hình dịch COVID-19.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu của Bách hóa Xanh đạt 24.600 tỷ đồng, doanh thu online gấp 4,2 lần và số lượng đơn hàng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ 2020. Hệ thống này chưa từng kêu gọi vốn và hứa hẹn là “át chủ bài” của MWG thời gian tới.
7. FPT Shop
FPT Shop thuộc công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT – một thành viên của Tập đoàn FPT. Đây là chuỗi chuyên bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số di động và là hệ thống bán lẻ đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng chỉ ISO 9001:2000 về quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Dù bị dịch COVID-19 làm đình trệ hoạt động kinh doanh, FPT vẫn giữ vững vị thế là nhà bán lẻ laptop số 1 trên thị trường. Doanh thu 9 tháng qua của FPT đạt 3.350 tỷ đồng, tăng trưởng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong quý 2/2021, FPT Shop tăng tới 39,7% doanh thu online so với năm 2020 dù cả 2 thời điểm đều chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
8. CellphoneS
Đứng thứ 8 trong 10 trang thương mại điện tử được dùng nhiều nhất Việt Nam là CellphoneS. Đây là hệ thống bán lẻ di động toàn quốc, đối tác của nhiều hãng lớn như Samsung, OPPO… CellphoneS đã có 10 năm trong lĩnh vực này với 22 cửa hàng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Không chỉ tập trung vào website, CellphoneS còn phát triển mạnh trên Youtube. Kênh Schannel với 2,95 triệu đăng ký là một phương thức quảng bá mạnh mẽ của Cellphones. Đây là kênh review, so sánh các sản phẩm công nghệ với phong cách trẻ trung, hài hước.
9. Sendo
Tháng 9/2012, Sendo khởi điểm là một dự án thương mại điện tử và đã phát triển thành một Công ty CP Công nghệ trực thuộc Tập đoàn FPT. Sendo còn có hỗ trợ vận chuyển và thanh toán bằng các ứng dụng Sengo và SenPay rất tiện lợi. Trang similarweb đánh giá Sendo là top 5 trang thương mại điện tử và mua sắm của Việt Nam.
Theo ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc Sendo, yếu tố giúp nền tảng thương mại này thành công nằm ở việc chọn mô hình phát triển khác biệt. Thay vì đầu tư vào kho bãi mới, Sendo chọn tập trung hơn vào mô hình C2C và chọn hợp tác với những đơn vị đã có lợi thế về kho bãi bài bản, chuyên nghiệp. Ngoài ra, công ty tự tin với thế mạnh doanh nghiệp nội địa thấu hiểu thị trường trong nước.
>> Truy cập Sendo từ đây để có thể tranh thủ các chương trình khuyến mại của trang này
10. Hoàng Hà Mobile
Hoàng Hà Mobile là website cuối cùng trong top 10 trang thương mại điện tử trong nước. Thành lập năm 1996, Hoàng Hà Mobile đã dần khẳng định vị trí với người tiêu dùng. Sau 25 năm phát triển, công ty sở hữu mạng lưới hơn 60 chi nhánh tại 40 tỉnh thành.
Năm 2019, Hoàng Hà Mobile chính thức hợp tác với Mobifone mở chuỗi chi nhánh bán hàng liên kết; năm 2020, công ty trở thành nhà bán lẻ ủy quyền chính thức của Apple. Với khẩu hiệu “Nếu những gì chúng tôi không có, nghĩa là bạn không cần”, Hoàng Hà Mobile luôn nỗ lực đem đến sản phẩm công nghệ chính hãng và đa dạng với mức giá ưu đãi nhất.