Ngày này năm xưa 15/11 có 5 sự kiện của Việt Nam và 5 sự kiện của thế giới.
Thế giới ngày 15/11 năm xưa:
1. Ngày Tuyên ngôn cộng hòa Brazil năm 1889
Ngày 15 tháng 11 năm 1889 là Ngày Tuyên ngôn cộng hòa Brazil, kỷ niệm sự thành lập của nước Cộng hòa Brazil. Nước này thành lập sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ triều đại của Hoàng đế Pedro II.
Tuyên bố cộng hòa diễn ra tại Rio de Janeiro, đồng thời thành lập một chính phủ lâm thời, do Nguyên soái Deodoro da Fonseca làm lãnh đạo.
2. Hội Quốc Liên họp đại hội đồng lần đầu năm 1920
Hội Quốc Liên được thành lập ngày 10 tháng 1 năm 1920 nhằm kết thúc Thế chiến I. Tổ chức này có nhiệm vụ chính là duy trì hòa bình thế giới, ngăn chặn chiến tranh thông qua cơ chế an ninh tập thể và giải trừ quân bị.
Ngày 15 tháng 11 năm 1920, Hội Quốc Liên lần đầu tổ chức họp đại hội dồng ở Geneva, Thụy Sĩ. 41 quốc gia là sáng lập viên đều có mặt
3. Liên Xô thách Mỹ thi bắn tên lửa năm 1957
Ngày 15 tháng 11 năm 1957, nhà lãnh đạo Liên Xô là Nikita Khrushchev đã lên tiếng “thách” nước Mỹ thi bắn tên lửa. Tuyên bố thách thức này nhằm chứng tỏ khẳng định của Khrushchev là Mỹ thua Liên Xô trong việc phát triển tên lửa liên lục địa.
Lời thách đầu trên được đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo United Press Moscow. Trong cuộc phỏng vấn này, Khrushchev khẳng định không mong muốn chiến tranh. Tuy nhiên, nếu “những kẻ mất trí” muốn gây chiến, tên lửa của Liên Xô hoàn toàn có thể chạm đến nước Mỹ.
“Liên Xô sẽ thiệt hại nặng nề còn thế giới tư bản sẽ sụp đổ hoàn toàn”, lãnh đạo Liên Xô khẳng định.
4. Liên Xô phóng thành công tàu Buran năm 1988
Chương trình tàu vũ trụ sử dụng nhiều lần Buran được Liên Xô khởi động năm 1976, để đối trọng với Chương trình tàu con thoi của Mỹ.
Chuyến bay đầu tiên của tàu Buran vào ngày 15 tháng 11 năm 1988. Tàu Buran không người lái được đưa lên quỹ đạo bởi một tên lửa thiết kế đặc biệt, bay quanh Trái Đất 2 vòng trong 206 phút rồi tự động hạ cánh.
Tuy nhiên, Chương trình này sau đó đã bị trì hoãn và chính thức kết thúc vào năm 1993.
5. Palestine tuyên bố độc lập năm 1988
Ngày 15 tháng 11 năm 1988, Tổ chức Giải phóng Palestine, với vị thế của một chính phủ lưu vong, đã chính thức tuyên bố nền độc lập cho nhà nước Palestine.
Tuy nhiên, mãi đến năm 1993, trong Hiệp định Olso, Israel mới chính thức thừa nhận Tổ chức Giải phóng Palestine là đại diện cho nhân dân Palestine và cho phép tổ chức này thành lập các thể chế hành chính. Đến năm 2012, Palestien mới được Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận chủ quyền.
Ngày này năm xưa 15/11 của Việt Nam:
1. Ngày sinh Lê Long Đĩnh năm 986
Lê Long Đĩnh sinh ngày 15 tháng 11 năm 986, là vị hoàng đế cuối cùng của nhà Tiền Lê ở Việt Nam. Ông trị vì 4 năm, từ năm 1005 cho đến khi qua đời năm 1009. Cho đến nay, cái chết của Lê Long Đĩnh vẫn còn gây tranh cãi.
Sử sách ghi lại, Lê Long Đĩnh là kẻ dâm đãng, tàn bạo, là một hôn quân điển hình. Tuy nhiên, ở một số nơi, người dân vẫn lập đền thờ phụng vị vua này.
Lê Long Đĩnh còn được gọi là Lê Ngọa Triều, bởi tương truyền ông mắc bệnh trĩ nên phải nằm khi thiết triều.
2. Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao năm 1923
Văn Cao, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15 tháng 11 năm 1923. Ông là nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Sáng tác nổi tiếng nhất của Văn Cao là bài hát Tiến quân ca – quốc ca chính thức của Việt Nam.
Văn Cao là hình mẫu thiên tài về văn nghệ, không chỉ sáng tác nhạc mà còn có tài văn chương, hội họa. Ngoài hoạt động nghệ thuật, Văn Cao cũng tham gia cách mạng, từng phụ trách một đội vũ trang là Đội danh dự Việt Minh.
3. Ngày truyền thống Trường đại học Mỏ – Địa chất kể từ năm 1966
Ngày 15 tháng 11 năm 1966, Trường đại học Mỏ – Địa chất khai giảng khóa học đầu tiên tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Từ đó, ngày 15 tháng 11 được coi là ngày truyền thống của trường.
Sau hơn 50 năm hoạt động, đại học Mỏ – Địa chất đã đào tạo hàng chục nghìn kỹ sư, hàng nghìn thạc sĩ, tiến sĩ, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
4. Mỹ mở màn chiến dịch Commando Hunt năm 1968
Commando Hunt là chiến dịch không kích của Mỹ, được tiến hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 1968. Chiến dịch này nhằm mục đích tấn công đường mòn Hồ Chí Minh để chặn đường tiếp viện của quân giải phóng cho mặt trận miền Nam.
Tiến hành từ cuối năm 1968 đến đầu năm 1972, trung bình mỗi ngày, Mỹ tiến hành hàng trăm cuộc tấn công, ứng dụng nhiều loại vũ khí mới, bao gồm cả máy bay B-52. Khoảng 650 nghìn tấn bom các loại đã được Mỹ rải xuống đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến dịch tàn ác này.
5. Ngày mất nhạc sĩ Đoàn Chuẩn năm 2001
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh năm 1924 trong một gia đình tư sản ở Hải Phòng. Cha của Đoàn Chuẩn là chủ hãng nước mắm lớn nhất miền Bắc là hãng Vạn Vân. Nhờ vào sự giàu có của gia đình, Đoàn Chuẩn có một tuổi trẻ phong lưu, tiền bạc rủng rỉnh.
Đoàn Chuẩn sáng tác nhạc không nhiều, để lại chưa đầy 20 bài hát. Tuy nhiên, những bài hát của ông đều được coi là kiệt tác. Đoàn Chuẩn được coi là “nhạc sĩ của mùa thu Hà Nội”, với những tác phẩm như “Thu quyến rũ”; “Lá đổ muôn chiều”; “Gửi người em gái miền Nam”…
Đoàn Chuẩn mất ngày 15 tháng 11 năm 2001 do tai biến mạch máu não.
Xem thêm sự kiện ngày này năm xưa 15/11 tại đây.