Phần đông ‘tay chơi’ có mặt trong Top đầu của cuộc đua tăng vốn chủ sở hữu là các ngân hàng. Song tay chơi xuất sắc nhất một lần nữa lại là Vingroup.
>> Chuyện về những ông VUA TIỀN MẶT trên sàn HOSE
Sự thống trị của các ngân hàng trong cuộc đua tăng vốn
Ở thời điểm năm đầu của thập kỷ vừa qua – 2011, Top 10 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE có vốn chủ sở hữu lớn nhất được dẫn đầu bởi Big 3 ngân hàng gốc nhà nước là VCB, CTG và BID. Ngoài bộ 3 kể trên, trong Top 10 2011 còn có 4 ngân hàng khác là EIB, STB, TCB và ACB.
Ba cái tên không phải là ngân hàng gồm GAS, MSN và VNM – những doanh nghiệp sản xuất và/hoặc kinh doanh hàng thiết yếu và đều lớn nhất trong lĩnh vực của mình.
Tất cả doanh nghiệp trong Top 10 năm 2011 có quy mô vốn chủ sở hữu không thấp hơn 11.900 tỷ đồng.
Trong suốt 10 năm khảo sát, luôn có từ 4 ngân hàng trở lên có mặt trong Top 10.
Một trong những lý do giải thích cho sự thống trị của khối ngân hàng trong Top 10 là do đây là kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam. Đây là một nguyên nhân thuộc dạng “sinh ra đã thế” và “bây giờ vẫn vậy”, mặc dù thị trường vốn ngày càng có đóng góp lớn hơn.
Ngân hàng vốn đã lớn từ khi sinh ra, lớn nhanh, đồng thời lại bị buộc phải tăng vốn chủ để đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn an toàn nên lại càng tăng vốn chủ khỏe.
>> Điểm danh Top 10 doanh nghiệp lớn nhất sàn HOSE về tổng tài sản
>> Top 10 doanh nghiệp trên HOSE có lợi nhuận cao nhất năm 2020
>> Top 10 doanh nghiệp trên HOSE có doanh thu lớn nhất năm 2020
Lại là ngựa ô mang tên Vingroup
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự lớn lên của thị trường vốn cùng các doanh nghiệp niêm yết, những cái tên ngoài ngân hàng dần xuất hiện và nổi trội trong Top 10. Có những năm, 6/10 cái tên trong Top 10 không phải là ngân hàng.
Ngôi sao mới và sáng nhất của Top 10 là Tập đoàn Vingroup (VIC). Cái tên VIC bắt đầu xuất hiện trong Top 10 vào năm 2013 với hơn 14 nghìn tỷ đồng vốn chủ sở hữu cho vị trí thứ 10. Thời điểm đó, vốn chủ sở hữu của ngân hàng Vietinbank (CTG) đã đạt trên 54 nghìn tỷ đồng, gấp gần 4 lần VIC.
Ngay sau khi bước vào Top 10, Vingroup đã có bước tăng vốn chủ lên gần gấp đôi vào năm sau đó (2014). Những năm sau đó, Vingroup tăng bình quân 20% mỗi năm và đạt gần 136.000 tỷ đồng (gần 6 tỷ USD) vào năm 2020. Nó bắt đầu chiếm vị trí số 1 từ năm 2018 với 99 nghìn tỷ đồng. Biểu đồ dưới đây cho thấy VIC đã vươn lên như thế nào.
Trong những câu chuyện về các bước chạy thần tốc của VIC, luôn phải nhắc đến VHM, một “người anh em” của VIC. VHM không chỉ cùng có quá trình tăng vốn ấn tượng chỉ sau VIC mà còn là “tay chơi” đã hỗ trợ VIC lên số 1.
Nguồn: fiintrade.vn, BCTC của các doanh nghiệp niêm yết