Ngày này năm xưa 3/12 có 3 sự kiện của Việt Nam và 7 sự kiện của thế giới.
Ngày 3/12 lịch sử thế giới:
1. Ngày sinh của Paul Jozef Crutzen năm 1933
Paul Jozef Crutzen sinh ngày 3 tháng 12 năm 1933. Ông là nhà hóa học người Hà Lan, từng đạt giải Nobel năm 1995 cho công trình nghiên cứu của ông về lỗ hổng trong tầng ôzôn. Ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên cảnh báo nhân loại về biến đổi khí hậu. Crutzen cũng là một trong những người khởi xướng thuyết mùa đông hạt nhân, tức hiện tượng trái đất hạ nhiệt mạnh mẽ nếu có chiến tranh hạt nhân xảy ra.
2. Singapore chính thức thông qua quốc kỳ năm 1959
Quốc kỳ Singapore được thông qua lần đầu tiên vào ngày 3 tháng 12 năm 1959, 6 tháng sau khi nước này giành quyền tự trị trong Đế quốc Anh. Đến năm 1965, lá quốc kỳ tiếp tục được chính thức lựa chọn trở thành biểu tượng cho quốc gia mới giành độc lập này.
Lá cờ được thiết kế với hai màu ngang với màu đỏ ở trên màu trắng, ở góc phía trên bên trái là một hình trăng lưỡi liềm trắng quay về phía 5 ngôi sao trắng năm cánh.
3. Ca ghép tim đầu tiên trên người được tiến hành năm 1967
Nửa đêm ngày mùng 2, rạng sáng ngày 3 tháng 12 năm 1967, ca ghép tim đầu tiên trên thế giới được tiến hành. Người được ghép tim là bệnh nhân Louis Washkansky 53 tuổi, bị suy tim giai đoạn cuối. Trái tim được lấy từ cơ thể cô Denise Darvall, 25 tuổi, bị chết não do một tai nạn thương tâm.
Giáo sư Velva Schrire, người đứng đầu nhóm bác sĩ chuyên khoa tim mạch Bệnh viện Groote Schuur. Ông đã mạo hiểm quyết định phương pháp ghép tim, vốn mới chỉ thành công trên chó vào năm 1958 tại Mỹ. May mắn, ca phẫu thuật đã thành công.
4. Tàu Pioneer 10 gửi những bức ảnh đầu tiên của Sao Mộc năm 1973
Pioneer 10 là tàu vũ trụ của Mỹ được phóng vào năm 1972, là con tàu đầu tiên được bay tới Sao Mộc. Pioneer 10 cũng là một trong những con tàu đầu tiên bay ra ngoài Hệ mặt trời. Ngày 3 tháng 12 năm 1973, Pioneer 10 tiếp cận gần nhất với quỹ đạo Sao Mộc và gửi cho nhân loại những bức ảnh đầu tiên của hành tinh này.
Pioneer 10 cũng là vật thể nhanh nhất từng bay khỏi Trái Đất, nhanh tới mức có thể tới mặt trăng trong vòng 12 giờ. Pioneer 10 mang theo một tấm kim loại được các nhà khoa học thiết kế nhằm “gửi lời chào” tới sinh vật vũ trụ nếu may mắn gặp được.
5. Thảm họa Bhopal năm 1984
Thảm họa Bhopal là một thảm họa công nghiệp xảy ra tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu sở hữu và điều hành bởi Union Carbide (UCIL) ở Bhopal, Madhya Pradesh, Ấn Độ ngày 3 tháng 12 năm 1984.
Khoảng 12 giờ đêm, nhà máy của UCIL rò rỉ ra khí Methyl isocyanate và các khí độc khác, gây ra phơi nhiễm trên 500,000 người. Không có con số chính thức được đưa ra nhưng ước tính ban đầu có khoảng hơn 2.000 người thiệt mại trong thảm họa này. Một số cơ quan khác ước tính số nạn nhân thiệt mạng có thể lên đến 15.000 – 25.000 người.
6. Tin nhắn văn bản đầu tiên được gửi năm 1992
Ngày 3 tháng 12 năm 1992, một kỹ sư thuộc tập đoàn Sema đã tiến hành cuộc thử nghiệm mang tính bước ngoạt cho ngành viễn thông. Đó là dùng máy tính cá nhân gửi tin nhắn văn bản (SMS) đầu tiên qua mạng Vodafone tới điện thoại cá nhân của một đồng nghiệp. Nội dung tin nhắn là “Merry Christmas”, tức Chúc mừng Giáng sinh.
Ngày nay, SMS đang mất dần vai trò, nhường chỗ cho tin nhắn qua mạng xã hội (inbox) và tin nhắn đa phương tiện.
7. Ngày người khuyết tật quốc tế
Ngày Quốc tế Người khuyết tật là lễ kỷ niệm thường niên, lần đầu được tổ chức vào ngày 3 tháng 12 năm 1992. Đây là một ngày kỷ niệm mang tính quốc tế được ấn định bởi Liên hiệp quốc, được tổ chức với nhiều mức độ khác nhau ở từng nước trên thế giới.
Ngày Quốc tế Người khuyết tật ra đời với mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề khuyết tật và huy động hỗ trợ cho nhân phẩm, quyền và phúc lợi của người khuyết tật.
Ngày này năm xưa 3/12 của Việt Nam:
1. Ngày sinh của Ngô Gia Tự năm 1908
Ngô Gia Tự sinh ngày 3 tháng 12 năm 1908, là một đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Ông được biết đến là người có công giúp thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời của Đảng bộ Nam Kỳ.
Đến cuối năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Sau hơn 2 năm bị giam giữ, ngày 2 tháng 5 năm 1933, thực dân Pháp đưa Ngô Gia Tự, cùng Phạm Hùng, Lê Văn Lương và nhiều đảng viên khác ra phiên tòa “đại hình đặc biệt”, và đày ra Côn Đảo vào tháng 5 năm 1933. Ông bị mất tích trong một chuyến vượt ngục đầu năm 1935 cùng với các bạn tù khác.
2. Ngày mất của Hà Huy Giáp năm 1995
Hà Huy Giáp sinh năm 1908, là nhà hoạt động cách mạng Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II (dự khuyết), khóa III, Phó Ban Tuyên huấn Trung ương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Phó ban nghiên cứu lịch sử Đảng.
Hà Huy Giáp từng bị giặc bắt và đày ra Côn Đảo. Ông cùng các đồng chí biến nhà tù thực dân thành trường học cộng sản. Về sau, Hà Huy Giáp tham gia Cách mạng Tháng Tám với vai trò chỉ đạo tổng khởi nghĩa tại Biên Hòa.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Huy Giáp giữ vai trò tuyên huấn, giáo dục. Là cán bộ cấp cao nhưng ông sống liêm khiết, giản dị. Ông mất ngày 3 tháng 12 năm 1995 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Việt Nam tham gia đàm phán gia nhập WTO năm 1998
Từ ngày 3 tháng 12 năm 1998, Việt Nam tham gia vào đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, phải đến 8 năm sau, tức cuối năm 2006, đầu năm 2007, Việt Nam mới chính thức gia nhập WTO, mở ra chương mới trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước.
Xem thêm sự kiện ngày này năm xưa 3/12 tại đây.