Ngày này năm xưa 9/1 có 5 sự kiện của Việt Nam và 5 sự kiện của thế giới.
Thế giới ngày 9/1:
1. Ngày sinh Rigoberta Menchú năm 1959
Rigoberta Menchú sinh ngày 9 tháng 1 năm 1959. Bà là nhà hoạt động xã hội người Guatemala, được trao giải Noel hòa bình và giải thưởng Prince of Asturias Award vào năm 1998 nhờ những đấu tranh không ngừng cho quyền con người ở đất nước này.
Menchú là Đại sứ thiện chí của UNESCO. Bà cũng là một nhân vật trong Đảng chính trị ở Guatemala, hoạt động cho chính phủ Guatemala vào năm 2007.
2. Ngày mất của Emily Greene Balch năm 1961
Emily Greene Balch sinh năm 1867, là một nhà văn, nhà giáo dục người Mỹ và là người theo chủ nghĩa hòa bình. Bà đã được nhận giải Nobel Hòa bình năm 1946 (cùng với John Mott), cho cống hiến của bà trong Liên đoàn Phụ nữ quốc tế vì Hòa bình và Tự do.
Balch là người thành lập Liên đoàn Phụ nữ quốc tế vì Hòa bình và Tự do, với mục đích phản đối Mỹ tham gia Thế chiến I. Bà cũng là chủ bút cho tuần báo The Nation, đưa tin tức theo xu hướng ủng hộ tự do, dân chủ và hòa bình.
Balch qua đời ngày 9 tháng 1 năm 1961, chỉ 1 ngày sau sinh nhật lần thứ 94 của mình.
3. Ngày mất Fukui Kenichi năm 1998
Fukui Kenichi sinh năm 1918, là một nhà hóa học người Nhật. Năm 1981, ông được trao giải Nobel Hóa học cùng với Roald Hoffman. Kenichi là nhà khoa học châu Á đầu tiên nhận được giải Nobel Hóa học.
Công trình nghiên cứu của Kenichi chủ yếu về vấn đề nguyên tử trong các phản ứng hóa học. Ông mất ngày 9 tháng 1 năm 1998, thọ 79 tuổi.
4. iPhone đầu tiên được Steve Jobs giới thiệu năm 2007
Ngày 9 tháng 1 năm 2007, tại một hội nghị ở San Francisco, Mỹ, CEO Apple là Steve Jobs đã giới thiệu điện thoại iPhone thế hệ đầu tiên, hay còn gọi là iPhone 2G. Sự kiện này đánh dấu mở ra một kỷ nguyên mới của điện thoại di động, với sự thống trị của dòng điện thoại iPhone.
iPhone 2G chính thức được bán ra ngày 29 tháng 6 năm 2007. Đến nay hãng Apple đã bán ra hơn 2 tỷ chiếc iPhone các loại, từ iPhone 2G tới iPhone 13 mới ra mắt.
5. Mất điện toàn quốc tại Pakistan năm 2021
Ngày 9 tháng 1 năm 2021, một sự cố trong hệ thống lưới điện quốc gia khiến cả đất nước Pakistan “chìm trong bóng tối”. Sự cố được cho là phát sinh từ nhà máy điện Guddu, sau đó lan ra toàn lưới điện.
Trước đó, Pakistan cũng gặp phải sự cố mất điện nghiêm trọng tương tự vào năm 2015, khi phiến quân tấn công vào đường dây tải điện.
Ngày này năm xưa 9/1 của Việt Nam:
1. Ngày sinh Phan Huy Ích năm 1750
Phan Huy Ích sinh ngày 9 tháng 1 năm 1750. Ông là quan đại thần trải ba triều đại Lê trung hưng, Tây Sơn và Nguyễn.
Phan Huy Ích nổi tiếng là một nhà ngoại giao tiêu biểu dưới triều đại Tây Sơn. Ông được vua Quang Trung giao cùng với Ngô Thì Nhậm trông nom công việc ngoại giao sau chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu. Ngoài những thành tích ngoại giao, ông còn đóng góp nhiều tác phẩm văn học có giá trị.
2. Ngày sinh Trương Đình Tuyển năm 1942
Trương Đình Tuyển sinh ngày 9 tháng 1 năm 1942. Ông là nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công thương), Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại quốc tế.
Ông là người có đóng góp tích cực trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam vào tháng 11 năm 2006.
3. Ngày kỷ niệm Học sinh sinh viên toàn quốc kể từ sự kiện năm 1950
Ngày 9 tháng 1 năm 1950, hàng nghìn học sinh, sinh viên Sài Gòn đã tổ chức biểu tình trước Dinh Tổng trấn Nam phần để phản đối chính quyền bù nhìn làm tay sai cho giặc Pháp.
Cuộc biểu tình bị đàn áp dã man. Nhiều sinh viên bị giết chết hoặc bị thương. Hàng vạn đồng bào Sài Gòn đã xuống đường để đưa tang những thanh niên anh dũng hy sinh vì đất nước. Đến ngày 13 tháng 1, hầu như tất cả sinh viên, học sinh Hà Nội cũng tổ chức bãi khóa để bày tỏ tình đoàn kết với bạn bè miền Nam.
Kể từ đó, ngày 9 tháng 1 được chọn làm Ngày Học sinh, sinh viên toàn quốc.
4. Mở chiến dịch 275 năm 1975
Ngày 9 tháng 1 năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch tiến công quân địch ở Tây Nguyên, gọi là Chiến dịch 275. Đây là chiến dịch nhằm tiêu diệt sinh lực địch và giải phóng vùng phía nam Tây Nguyên, từ đó tạo đà cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.
5. Ngày mất Hoàng Hiệp năm 2013
Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, sinh năm 1931 tại An Giang. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc cách mạng Việt Nam. Một số tác phẩm nổi tiếng của Hoàng Hiệp có thể kể đến như Con đường có lá me bay, Mùa chim én bay, Em vẫn đợi anh về, Nơi anh gặp em…
Năm 2000, Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên Bến Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn đông – Trường Sơn tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.
Ông mất lúc 12 giờ 45 phút ngày 9 tháng 1 năm 2013 tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi qua đời, vào ngày 8/1 ông được nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng được trao tặng ngay tại bệnh viện.
Xem thêm sự kiện ngày này năm xưa 9/1 tại đây.