Ngày này năm xưa 1/11: Top 10 sự kiện nổi bật

Trong 10 sự kiện nổi bật ngày này năm xưa 1/11, có 5 sự kiện của Việt Nam và 5 sự kiện của thế giới.

Ngày này năm xưa 1/11 của thế giới:

1. Động đất ở Lisbon năm 1755

Ngày này năm xưa 1/11: Top 10 sự kiện nổi bật

Ngày 1 tháng 11 năm 1755, một chuỗi sự kiện bao gồm động đất, sóng thần và hỏa hoạn đã xảy ra tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Đây là một trong những sự kiện bi thảm nhất trong lịch sử châu Âu khi phá hủy hơn 80% thành phố Lisbon, gần như xóa sổ thành phố Lisbon khỏi bản đồ châu Âu.

Các ước tính thương vong của sự kiện này, bao gồm số người chết do động đất, sóng thần và hỏa hoạn kéo dài 6 ngày sau đó rơi vào khoảng từ 30 nghìn đến gần 100 nghìn người.

2. Phim truyền hình chủ đề đồng tính đầu tiên được phát sóng năm 1972

Mùa Hè Chắc Chắn Đó (That Certain Summer) là phim truyền hình dài tập đầu tiên về chủ đề đồng tính, được phát sóng chính thức kể từ ngày 1 tháng 11 năm 1972 trên đài ABC của Mỹ.

Bộ phim kể về Doug Salter, một người đàn ông đã ly hôn vợ và có mối tình đồng tính với Gary McClain. Trong chuyến thăm của cậu con trai 14 tuổi Nick, Doug đã cố gắng giải thích và mong nhận được sự thấu hiểu từ cậu bé về khuynh hướng tình dục của mình.

3. Liên minh châu Âu ra đời năm 1993

Ngày này năm xưa 1/11: Top 10 sự kiện nổi bật

Hiệp ước Maastricht có tên gọi chính thức là Hiệp ước về Liên minh châu Âu được ký kết vào ngày 7 tháng 2 năm 1992 tại Maastricht, Hà Lan, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 11 năm 1993.

Đây là hiệp ước đánh dấu sự thành lập Liên minh châu Âu (EU) và thiết lập đồng tiền chung châu Âu là đồng euro. Tại thời điểm đi vào hiệu lực, có 12 quốc gia phê chuẩn Hiệp ước Maastricht là Anh, Pháp, Đức, Cộng hòa Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Hy Lạp, Đan Mạch, Luxembourg, Bỉ, và Hà Lan.

4. Gmail trở thành dịch vụ thư điện tử phổ biến nhất thế giới năm 2012

Gmail là dịch vụ thư điện tử của hãng Google, bắt đầu hoạt động kể từ ngày 1/4/2004. Ngày 1 tháng 11 năm 2012, dữ liệu của công ty nghiên cứu ComScore cho thấy Gmail có 287,9 triệu lượt truy cập vào tháng 10, vượt đối thủ nặng ký là Hotmail của Microsoft và trở thành dịch vụ email phổ biến nhất toàn cầu.

Thực tế, Google đã đưa ra nhiều số liệu thống kê nội bộ cho thấy Gmail là email phổ biến nhất thế giới từ tháng 6/2012, tuy nhiên vẫn vấp phải nhiều tranh cãi về tính xác thực. Chỉ đến khi có thông tin từ bên thứ 3 là công ty ComScore, vị thế số 1 thế giới của Gmail mới chính thức được công nhận.

5. Nhân viên Google biểu tình phản đối cách công ty này xử lý hành vi quấy rối tình dục năm 2018

11 giờ sáng ngày 1 tháng 11 năm 2018 (giờ Mỹ), nhân viên của hãng công nghệ Google trên toàn thế giới đã đồng loạt rời bỏ bàn làm việc, tràn xuống phố, đi bộ và biểu tình phản đối nạn quấy rối tình dục tại công ty này.

Sự việc này bắt nguồn từ sau khi tờ New York Times tiết lộ những phản ứng của lãnh đạo tập đoàn Google sau khi có nhiều cáo buộc các giám đốc điều hành cấp cao có hành vi quấy rối tình dục.

Tập đoàn Google đã phải nhượng bộ, thực hiện một số thay đổi trong chính sách nội bộ để bảo vệ tốt hơn nhân viên trước nạn quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Ngày 1/11 năm xưa của Việt Nam:

1. Ngày sinh của Nguyễn Thị Minh Khai năm 1910

Ngày này năm xưa 1/11: Top 10 sự kiện nổi bật

Nguyễn Thị Minh Khai, tên khai sinh là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 1 tháng 11 năm 1910. Bà là một nhà cách mạng, nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương giai đoạn 1930 – 1940.

Nguyễn Thị Minh Khai tham gia cách mạng khi chỉ mới 17 tuổi, thông qua hoạt động phong trào công nhân ở Vinh và tham gia thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng. Đến năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Bà từng làm thư ký cho chủ tịch Hồ Chí Minh, khi ấy còn hoạt động tại Hương Cảng dưới tên Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1940, Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt giam, tuy nhiên vẫn bí mật liên lạc với bên ngoài để lãnh đạo các phong trào đấu tranh chống giặc. Năm 1941, Nguyễn Thị Minh Khai bị kết án và xử bắn tại Hóc Môn.

2. Sự kiện đảo chính – quốc khánh của Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa năm 1963 – 1967

Ngày 1 tháng 11 năm 1963 đã diễn ra cuộc đảo chính lật đổ chính thể Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa. Cuộc đảo chính do Dương Văn Minh đứng đầu, đã giết chết anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu.

Sau sự kiện đảo chính, đến năm 1967, một bản hiến pháp được ban hành và một cuộc bầu cử được tổ chức đã xác nhận sự thành lập của Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa. Ngày 1/11/1967 được chọn là ngày chính thức thành lập của chính thể này.

Sự kiện đảo chính, thành lập Đệ nhị cộng hòa được xem là bước ngoặt đánh dấu sự suy yếu và lệ thuộc vào Mỹ của chế độ ngụy quân, ngụy quyền.

3. Tổng thống Mỹ Johnson ra lệnh chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam năm 1968

Sau khi thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ triển khai chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở Việt Nam, đưa quân viễn chinh tham chiến miền Nam, đồng thời leo thang ném bom, bắn phá, tấn công miền Bắc.

Trước tình hình đó, Đảng quyết định đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, phơi bày sự tàn ác của giặc Mỹ và kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Đến ngày 1 tháng 11 năm 1968 (ngày 31/10 theo giờ Mỹ), tổng thống Mỹ Johnson đã phải ra lệnh chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam.

Sự kiện này đánh dấu thắng lợi lớn của Việt Nam trên mặt trận ngoại giao, khẳng định tính chất chính nghĩa và sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

4. Khởi đầu trận lũ lịch sử tại Huế năm 1999

Đây là trận lũ lớn xảy ra ở các tỉnh miền Trung Việt Nam năm 1999. Dưới tác động của không khí lạnh mạnh, dải áp thấp xích đạo, các nhiễu động trên cao và áp thấp nhiệt đới, những trận mưa rất lớn bắt đầu trút xuống từ ngày 1 tháng 11 năm 1999.

Thừa Thiên – Huế là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi trận lũ năm 1999, với lượng mưa ghi nhận lên đến 1.384mm tại thành phố Huế. Trận lũ làm ngập trắng 10 tỉnh, thành miền Trung, giết chết 595 người, cuốn trôi hơn 40 nghìn ngôi nhà. Thiệt hại ước tính khoảng 3.800 tỷ đồng.

5. Việt Nam chính thức đón công dân thứ 90 triệu năm 2013

Đó là bé gái tên Nguyễn Thị Thùy Dung, sinh vào lúc 2 giờ 45 phút, ngày 1 tháng 11 năm 2013 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội. Bé Dung được chọn ngẫu nhiên trong số 10 em bé được sinh từ 0h đến 5h sáng ngày 1/11/2013 để trở thành đại diện cho dân số thứ 90 triệu của Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, dân số Việt Nam đạt khoảng 97,7 triệu người. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam sẽ cán mốc 100 triệu người vào năm 2025, sau đó tiếp tục tăng chậm đến 110 triệu người vào giữa thế kỷ XXI.

Xem thêm những sự kiện nổi bật ngày này năm xưa 1/11 tại đây.