Ngày này năm xưa 6/12 có 4 sự kiện của Việt Nam và 6 sự kiện của thế giới.
Thế giới ngày 6/12 năm xưa:
1. Ngày mất của Siemens năm 1892
Werner von Siemens là người khai sinh ra tập đoàn kinh tế SIEMENS của Đức. Ông là người ham học hỏi, ham tìm tòi khám phá từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông nhảy thẳng lên học cấp 3, sau đó vào trường kỹ thuật công trình.
Sau khi tốt nghiệp trường công trình, ông tiếp tục dấn sâu vào việc nghiên cứu khoa học. Nhưng khi đó, vì giúp một người bạn thân quyết đấu mà ông bị xử tù 5 năm. Thế nhưng ông đã nhờ nhiều người mua rất nhiều dụng cụ nghiên cứu khoa học, biến nhà tù thành phòng thí nghiệm.
Sau hàng loạt những phát minh, sáng chế, Siemens còn thu nạp nhiều nhân tài kiệt xuất, chuyên gia chế tạo. Công ty của ông từng bước phát triển và trở thành công ty lớn: Công ty SIEMENS.
Siemens qua đời tại Berlin ngày 6 tháng12 năm 1892.
2. Taxi được cấp phép hoạt động lần đầu tiên trên thế giới năm 1897
Trước khi có xe hơi, tại thành phố London, Anh, các dịch vụ xe ngựa đã xuất hiện từ thế kỷ 17 và trở nên phổ biến. Có cả một đạo luật riêng về xe ngựa chở khách tại nước Anh.
Sau này, xe hơi được phát minh và nhanh chóng thay thế xe ngựa kéo. Đến năm 1891, đòng hồ đo cây số tính tiền được phát minh và được lắp trên xe ô tô từ năm 1897. Ngày 6 tháng 12 năm 1897, London trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới có sự xuất hiện của các taxi được cấp phép.
3. Ngày sinh George Porter năm 1920
George Porter sinh ngày 6 tháng 12 năm 1920. Ông là nhà hóa học người Anh, đã đoạt Giải Nobel Hóa học năm 1967.
Sau khi trở về từ Thê chiến 2, Porter vào nghiên cứu tại Đại học Cambridge. Ban đầu ông nghiên cứu việc phát triển kỹ thuật quang phân nhanh (flash photolysis) để có được thông tin về các loại phân tử ngắn hạn, đưa ra bằng chứng đầu tiên về gốc tự do. Ông đã sử dụng kỹ thuật nghiên cứu các chi tiết chính xác của các phản ứng ánh sáng của sự quang hợp. Ngoài ra, ông cũng nghiên cứu nhiều ứng dụng khác của ánh sáng, để lại những ứng dụng có giá trị đến tận ngày nay.
4. Thành lập Vườn quốc gia Everglades năm 1957
Vườn quốc gia Everglades có diện tích hơn 6 nghìn km2 và là một trong những di sản thế giới. Khu vực này được công nhận là vườn quốc gia Hoa Kỳ ngày 30 tháng 5 năm 1934 nhưng mãi đến ngày 6 tháng 12 năm 1957 mới hoàn toàn được thành lập.
Vườn quốc gia được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới ngày 26 tháng 10 năm 1976. Khu hoang dã có diện tích 5.247 km² vào năm 2003 — khoảng 86% diện tích vườn quốc gia. UNESCO đã công nhận đây là di sản thế giới ngày 24 tháng 10 năm 1979 và một vùng đất ẩm ướt có tầm quan trọng quốc tế ngày 4 tháng 6 năm 1987. Tuy nhiên, phải đến năm 1993 thì vườn quốc gia này mới bị đưa vào Danh sách di sản thế giới bị đe dọa.
5. NASA tiết lộ bằng chứng cho thấy Sao Hỏa có nước năm 2006
Ngày 6 tháng 12 năm 2006, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tiết lộ một số bức ảnh chụp bởi Mars Global Surveyor. Những bức ảnh này cho thấy dấu vết của nước trên Sao Hỏa. Điều này củng cố niềm tin Sao Hỏa là hành tinh có sự sống hoặc đã từng có sự sống.
Hiện tại có rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nước tồn tại với lượng nhỏ trên hành tinh đỏ. Trong quá khứ, Sao Hỏa đã có thể còn có nhiều nước hơn hiện nay, và có thể có vị mặn cao.
6. Bạo động ở Hy Lạp năm 2008
Ngày 6 tháng 12 năm 2008, một cậu bé 15 tuổi đã bỏ mạng sau khi trúng đạn của cảnh sát, trong một cuộc đụng độ giữa cảnh sát và nhóm thanh niên địa phương.
Chỉ vài giờ sau cái chết của cậu bé, bạp lực đã bùng lên khắp Hy Lạp. Đoàn người biểu tình tràn xuống các con phố, đốt cháy nhiều xe ô tô, phá hủy các nhà băng và cửa hàng.
Về sau, ngày 6 tháng 12 hàng năm vẫn liên tục diễn ra những cuộc biểu tình chống chính phủ, với biểu ngữ “Từ Athens cho đến Ferguson, không có công lý thì không có hòa bình”; “Ngọn lửa tháng 12 không bao giờ tắt”.
Ngày này năm xưa 6/12 của Việt Nam:
1. Ngày sinh của Trương Vĩnh Ký năm 1837
Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6 tháng 12 năm 1837. Ông là nhà chính trị, học giả, nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa của Việt Nam.
Ông là người am tường và có cống hiến lớn trên nhiều lĩnh vực văn hóa cổ kim Đông Tây, nên được kết nạp làm thành viên thứ 18 của hội “Savants du Monde”, một hội gồm nhiều nhà khoa học, văn học Pháp.
Ông để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật,… Riêng đối với báo chí viết chữ Quốc ngữ tại Việt Nam, ông được coi là người tiên phong vì đã sáng lập, là Tổng biên tập tờ báo viết chữ quốc ngữ đầu tiên mang tên là Gia Định báo.
2. Ngày sinh của Lê Minh Khuê năm 1949
Lê Minh Khuê sinh ngày 6 tháng 12 năm 1949. Bà là nhà văn nữ Việt Nam, chuyên viết truyện ngắn và truyện vừa.
Đề tài chính của thời kỳ chiến tranh trong sáng tác của bà là đời sống cuộc chiến, máu lửa nhưng con người được tinh thần lạc quan, cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn. Truyện của bà thay đổi đề tài từ những năm 1984 vì người Việt Nam thay đổi ngay từ năm 1975 khi hết chiến tranh, do đó không còn viết như cũ. Tác phẩm của nhà văn trong thời kì này bám sát những biến chuyển đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi viết năm 1971, in trên tạp chí “Tác phẩm mới ” cùng năm đó, đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9.
3. Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1953
Cuối tháng 11-1953, tướng Nava cho quân Pháp đẩy lùi xuống chiếm Điện Biên Phủ (tỉnh Lai Châu) và xây dựng ở đây tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Sau khi họp bàn chủ trương và kế hoạch tác chiến, ngày 6 tháng 12 năm 1953, Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm này.
Đây chính là tiền đề mở ra chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đuổi giặc Pháp ra khỏi bờ cõi.
4. Ngày mất của Phạm Văn Sơn năm 1978
Phạm Văn Sơn sinh ngày 15 tháng 8 năm 1915. Ông là một sử gia Việt Nam và là sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trong vai trò người viết sử, ông cộng tác với Tập san Sử Địa (do một nhóm giáo viên và sinh viên trường Đại học Sư phạm Sài Gòn sáng lập) và viết rất nhiều bài nghiên cứu lịch sử có giá trị.
Sau Giải phóng, ông bị bắt đi học tập cải tạo. Ngày 6 tháng 12 năm 1978, ông qua đời vì bệnh tật tại trại cải tạo Tân Lập, huyện Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú.
Xem thêm sự kiện ngày này năm xưa 6/12 tại đây.