“Đường cong mềm mại” trong nhu cầu xây nhà ở của người Việt

Có một sự chuyển tiếp tuyệt đẹp như “đường cong mềm mại” về nhu cầu xây nhà ở của cư dân Việt trải từ Hồng Hà đến Cửu Long Giang.

>> Top 10 tỉnh có dân giàu nhất – Thu nhập bình quân cao nhất

Tổng cục Thống kê mới đây (tháng 5) công bố  kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư năm 2020, trong đó có nội dung về xu hướng chi tiêu theo vùng và địa phương.

Bức tranh tương phản rõ nét

Đối với hạng mục chi tiêu cho nhà ở, báo cáo khảo sát xu hướng xây nhà theo bốn loại: nhà kiên cố, nhà bán kiên cố, nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ. Kết quả cho thấy một bức tranh thú vị, thể hiện xu hướng rất rõ ràng giữa các vùng cũng như sự chuyển tiếp giữa các vùng, như trong biểu đồ dưới đây:

Biểu đồ tỷ lệ các loại nhà ở theo vùng và địa phương
Vùng nào ăn chắc mặc bền, vùng nào tiêu xài phóng khoáng: Đã có dữ liệu chứng minh

Biểu đồ trên cho thấy một sự đối lập gần như hoàn toàn giữa hai vùng đồng bằng châu thổ của Việt Nam: Sông Hồng và Sông Cửu Long. Theo đó, đối với tỷ lệ xây nhà kiên cố (ăn chắc mặc bền), có trên 90% hộ dân có nhà ở thuộc Đồng bằng sông Hồng xây nhà kiên cố. Đối lập lại, chưa đến 10% hộ dân có nhà ở thuộc Đồng bằng sông Cửu Long xây nhà kiên cố (chủ yếu là nhà bán kiên cố).

Thái Bình là tỉnh nhiều nhà kiên cố nhất với tỷ lệ 98,7% trong khi Kiên Giang là tỉnh ít nhà kiên cố nhất với tỷ lệ 2,2%.

Thú vị là, có một “đường cong mềm mại” được tạo nên từ biên giới phân định giữa hai màu xanh lam và vàng cam – hai màu biểu thị tỷ lệ nhà kiên cố và nhà bán kiên cố – khi dịch chuyển giữa các địa phương từ Bắc vào Nam. Và các tỉnh miền Trung có tỷ lệ Trung bình.

Bức tranh tỷ lệ này phản ánh tập quán sinh hoạt và thói quen chi tiêu của người dân các vùng từ lâu đời đến nay. Đến lượt, tập quán này được hình thành từ ảnh hưởng của môi trường sinh thái, điều kiện tự nhiên, địa hình… Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra điều đó.

Dữ liệu này có ý nghĩa gì?

Rõ ràng, chỉ một dữ liệu nói trên đã thể hiện rõ bức tranh tương phản về tập quán sinh hoạt, xu hướng chi tiêu cho nhà ở giữa các địa phương theo vùng miền cả nước. Một mặt chúng phản ánh các yếu tố tự nhiên, xã hội, văn hóa đã hình thành lâu bền, mặt khác là thông tin quan trọng ứng dụng cho nhiều ngành, nhiều mục đích khác nhau.

Chỉ một ví dụ đơn giản, đối với ngành bất động sản – xây dựng, rõ ràng các công ty xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhất là phân khúc nhà ở phải thuộc lòng báo cáo này nếu muốn gặt hái thành công hoặc tránh đi thất bại.

Dữ liệu cũng hé lộ một loạt vấn đề khác. Ví dụ, nếu như các hộ dân Đồng bằng sông Cửu Long phần lớn không xây nhà kiên cố, loại nhà có chi phí xây dựng cao nhất, thì phần còn lại của thu nhập họ dùng vào việc gì? Phải chăng là tiêu xài phóng khoáng? Ở đó có thị trường tiềm năng của những ngành nghề khác.

Lưu ý rằng, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao hàng đầu cả nước. Có dữ liệu khảo sát cho những phần còn lại này mà Top-10.vn sẽ đề cập trong những bài tới đây.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tải Toàn bộ báo cáo và dữ liệu